Axit gadopentetic

Axit gadopentetic

Axit gadopentetic

Tìm hiểu chung

Tác dụng của thuốc axit gadopentetic là gì?

Thuốc này thường được dùng cho chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ, cột sống và toàn thân. Axit gadopentetic là một trong những tên thương mại dùng cho chất tương phản trong chụp MRI gadolinium.

Bạn nên dùng thuốc axit gadopentetic như thế nào?

Axit gadopentetic được tiêm vào mạch máu. Bạn sẽ được tiêm thuốc này ở phòng khám bác sĩ hoặc bệnh viện trong khi chụp cộng hưởng từ (MRI).

Bác sĩ và nhân viên y tế khác có thể cần theo dõi bạn trong thời gian ngắn sau khi xét nghiệm để đảm bảo bạn không có bất kỳ tác dụng phụ hoặc phản ứng chậm nguy hiểm nào khác.

Bạn nên bảo quản thuốc axit gadopentetic như thế nào?

Bạn nên bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm và tránh ánh sáng. Không bảo quản trong phòng tắm hoặc trong ngăn đá. Bạn nên nhớ rằng mỗi loại thuốc có thể có các phương pháp bảo quản khác nhau. Vì vậy, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì, hoặc hỏi dược sĩ. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.

Bạn không nên vứt thuốc vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi có yêu cầu. Thay vì vậy, hãy vứt thuốc đúng cách khi thuốc quá hạn hoặc không thể sử dụng. Bạn có thể tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc công ty xử lý rác thải địa phương về cách tiêu hủy thuốc an toàn.

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Liều dùng thuốc axit gadopentetic dùng cho người lớn như thế nào?

Liều dùng thông thường cho người lớn chụp MRI sọ, cột sống và toàn thân:

  • Liều khởi đầu, dùng 0.1 mmol/kg tiêm tĩnh mạch.
  • Đối với MRI sọ và cột sống, dùng một liều thêm 0,1-0,2 mmol/kg tiêm tĩnh mạch trong vòng 30 phút nếu cần thiết.
  • Đối với MRI toàn thân, dùng 0,2 mmol/kg tiêm tĩnh mạch nếu cần thiết. Liều tối đa là 0,3 mmol/kg chỉ dùng trong các trường hợp đặc biệt.

Liều dùng thuốc axit gadopentetic cho trẻ em như thế nào?

Liều dùng thông thường cho trẻ em chụp MRI sọ, cột sống và toàn thân:

  • Liều khởi đầu, dùng 0.1 mmol/kg tiêm tĩnh mạch.
  • Đối với MRI sọ và cột sống, dùng một liều thêm 0,1-0,2 mmol/kg tiêm tĩnh mạch trong vòng 30 phút nếu cần thiết.
  • Đối với MRI toàn thân cho trẻ em trên 2 tuổi, dùng 0,2 mmol/kg tiêm tĩnh mạch nếu cần thiết.

Thuốc axit gadopentetic có những dạng và hàm lượng nào?

Axit gadopentetic có dạng và hàm lượng là: dung dịch, đường tiêm: 2mmol/l.

Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc axit gadopentetic ?

Gọi cấp cứu ngay nếu bạn gặp phải bất kỳ dấu hiệu đầu tiên nào sau đây của phản vệ dị ứng như: phát ban; khó thở; sưng mặt, môi, lưỡi hoặc họng.

Gọi cho bác sĩ ngay nếu bạn gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào sau đây:

  • Tiểu ít hơn bình thường hoặc vô niệu;
  • Buồn ngủ, nhầm lẫn, thay đổi tâm trạng, khát nhiều, mất cảm giác ngon miệng;
  • Sưng, tăng cân, thở ngắn;
  • Sưng, bầm tím, mẩn đỏ, ngứa, nóng đốt, hoặc thay đổi về da ở vùng bị tiêm thuốc.

Tác dụng phụ ít nghiêm trọng hơn có thể bao gồm:

  • Nhức đầu, chóng mặt;
  • Buồn nôn;
  • Cảm thấy nóng bất thường;
  • Vị lạ hoặc khó chịu trong miệng;
  • Ửng đỏ (nóng, đỏ, hoặc cảm giác ngứa ran);
  • Tê;
  • Cảm giác lạnh, ấm, đau, hoặc nóng đốt ở nơi bị tiêm thuốc.

Không phải ai cũng gặp các tác dụng phụ như trên. Có thể có các tác dụng phụ khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Thận trọng trước khi dùng

Trước khi dùng axit gadopentetic bạn nên biết những gì?

Trước khi dùng axit gadopentetic, bạn báo với bác sĩ nếu bạn mắc bệnh thận hoặc đang chạy thận nhân tạo. Bạn có thể không có khả năng tiếp nhận axit gadopentetic vào cơ thể. Đồng thời, báo cho bác sĩ biết nếu gần đây bạn có nhận bất kỳ tác nhân tương phản nào giống với gadopentetate dimeglumine. Axit gadopentetic có thể gây ra tình trạng nguy hiểm đến tính mạng ở người bị bệnh thận tiến triển. Các triệu chứng của tình trạng này bao gồm:

  • Nóng, ngứa, sưng, tróc da, và thắt chặt hoặc xơ cứng da;
  • Yếu cơ;
  • Cứng khớp ở cánh tay, bàn tay, cẳng chân hoặc bàn chân;
  • Đau sâu trong xương sườn hoặc hông;
  • Khó di chuyển;
  • Da ửng đỏ hoặc đổi màu.

Ngoài ra, bạn còn cần chú ý một số vấn đề nếu:

  • Bạn dị ứng với thuốc này, nếu bạn đang mang thai hoặc đang cho con bú;
  • Bạn đang dùng các loại thuốc, thực phẩm chức năng hoặc thảo dược;
  • Bạn trên 60 tuổi;
  • Bạn đã bị thương hoặc nhiễm trùng gần đây.

Những điều cần lưu ý nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú

Vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định rủi ro khi dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Trước khi dùng thuốc, hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.

Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), thuốc này thuộc nhóm thuốc C đối với thai kỳ. Bạn có thể tham khảo bảng phân loại thuốc dùng cho phụ nữ có thai dưới đây:

  • A= Không có nguy cơ;
  • B = Không có nguy cơ trong vài nghiên cứu;
  • C = Có thể có nguy cơ;
  • D = Có bằng chứng về nguy cơ;
  • X = Chống chỉ định;
  • N = Vẫn chưa biết.

Tương tác thuốc

Thuốc axit gadopentetic có thể tương tác với thuốc nào?

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Tài liệu này không bao gồm đầy đủ các tương tác thuốc có thể xảy ra. Tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Không được tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

  • Lithium (Eskalith®, Lithobid®);
  • Methotrexate (Rheumatrex®, Trexall®);
  • Thuốc giảm đau hoặc viêm khớp như aspirin (Anacin®, Excedrin®), acetaminophen (Tylenol®), ibuprofen (Advil®, Motrin®), naproxen (Aleve®, Naprosyn®, Naprelan®, Treximet®), celecoxib (Celebrex®), diclofenac (Arthrotec®, Cambia®, Cataflam®, Voltaren®, Flector Patch®, Pennsaid®, Solareze®), indomethacin (Indocin®), meloxicam (Mobic®);
  • Thuốc dùng để điều trị viêm loét đại tràng, như mesalamine (Pentasa®) hoặc sulfasalazine (Azulfidine®);
  • Thuốc dùng để ngăn chặn đào thải như cyclosporine (Gengraf®, Neoral®, Sandimmune®), sirolimus (Rapamune®) hoặc tacrolimus (Prograf®);
  • Kháng sinh đường tiêm như amphotericin B (Amphotec®, Ambisome®, Abelcet®), amikacin (Amikin®), bacitracin (Baci® IM), capreomycin (Capastat®), gentamicin (Garamycin®), kanamycin (Kantrex®), streptomycin, hoặc vancomycin (Vancocin®, Vancoled®);
  • Thuốc chống virus như acyclovir (Zovirax®), adefovir (Hepsera®), cidofovir (Vistide®), foscarnet (Foscavir®), ganciclovir (Cytovene®), valacyclovir (Valtrex®) hoặc valganciclovir (Valcyte®);
  • Thuốc ung thư như aldesleukin (Proleukin®), carmustine (BiCNU, Gliadel®), cisplatin (Platinol®), ifosfamide (Ifex®), oxaliplatin (Eloxatin®), streptozocin (Zanosar®) hoặc tretinoin (Vesanoid®).

Thức ăn và rượu bia có tương tác với thuốc axit gadopentetic không?

Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Tình trạng sức khỏe nào có thể có tương tác với thuốc axit gadopentetic ?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt là:

  • Tiểu đường;
  • Cao huyết áp;
  • Bệnh gan;
  • Rối loạn nhịp tim;
  • Hen suyễn, sốt mùa hè, hoặc có tiền sử dị ứng thực phẩm hoặc thuốc;
  • Nếu bạn trên 60 tuổi;
  • Nếu bạn đã bị bất kỳ phản ứng nào với chất tương phản;
  • Nếu gần đây bạn có phẫu thuật, bị thương hoặc nhiễm trùng nặng nào.

Trường hợp khẩn cấp/quá liều

Bạn nên làm gì trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều?

Bác sĩ sẽ là người theo dõi và chỉ định cho bạn dùng thuốc, do đó khả năng xảy ra quá liều là rất hiếm.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Bạn chỉ được chỉ định dùng thuốc này khi cần thiết.

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Axit gadopentetic. http://www.drugs.com/international/gadopentetic-acid.html. Ngày truy cập 1/11/2015.

Gadopentetic acid.  www.mims.com/malaysia/drug/info/gadopentetic%20acid?mtype=generic.  Ngày truy cập 1/11/2015.



Chuyên mục: Thông tin thuốc

Nguồn: hellobacsi.com

Leave a Comment