Ceporex®

Ceporex®

Ceporex®

Tên gốc: cephalexin

Tên biệt dược: Ceporex®

Phân nhóm: cephalosporin

Tác dụng

Tác dụng của thuốc Ceporex® là gì?

Ceporex® thường được sử dụng cho các nhiễm khuẩn bao gồm nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, viêm tai, nhiễm khuẩn ở da, nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Thuốc có thể được sử dụng để điều trị các bệnh lý khác theo chỉ định bác sĩ.

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Liều dùng thuốc Ceporex® cho người lớn như thế nào?

Liều thông thường cho người lớn trong phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn

Bạn uống 2 g, một liều duy nhất 1 giờ trước khi phẫu thuật.

Liều thông thường cho người lớn trong viêm bàng quang

Bạn dùng 250 mg, mỗi 6 giờ hoặc 500 mg mỗi 12 giờ trong 7 đến 14 ngày.

Liều thông thường cho người lớn trong viêm tai giữa

Bạn dùng 500 mg mỗi 6 giờ trong 10-14 ngày.

Liều thông thường cho người lớn viêm họng

Bạn dùng 250 mg uống mỗi 6 giờ hoặc 500 mg uống mỗi 12 giờ.

Liều thông thường cho người lớn nhiễm khuẩn da hay mô mềm

Bạn dùng 250 mg thuốc, uống mỗi 6 giờ hoặc 500 mg uống mỗi 12 giờ.

Liều thông thường cho người lớn viêm xương tủy

Bạn dùng 500 mg mỗi 6 giờ. Quá trình điều trị nên được kéo dài tiếp tục trong 4-6 tuần tùy theo tính chất và mức độ nghiêm trọng của nhiễm khuẩn. Viêm tủy xương mạn tính có thể yêu cầu thêm một hoặc hai tháng điều trị kháng sinh.

Liều thông thường cho người lớn viêm tuyến tiền liệt, viêm bể thận

Bạn dùng 500 mg, mỗi 6 giờ trong 14 ngày.

Liều thông thường cho người lớn nhiễm khuẩn đường hô hấp trên

Bạn dùng 250-500 mg thuốc, uống mỗi 6 giờ trong 7-10 ngày.

Liều thông thường cho người lớn nhiễm khuẩn

Bạn dùng 250-500 mg uống mỗi 6 giờ. Điều trị nên được tiếp tục trong khoảng 7-21 ngày, tùy theo tính chất và mức độ của bệnh.

Liều dùng thuốc Ceporex® cho trẻ em như thế nào?

Liều thông thường cho trẻ viêm tai giữa

Bạn cho trẻ dùng 12,5-25 mg/kg uống mỗi 6 giờ.

Liều thông thường cho trẻ viêm họng

Trẻ trên 1 tuổi bị viêm họng do liên cầu khuẩn: bạn cho trẻ dùng 12,5-25 mg/kg uống mỗi 12 giờ.

Liều thông thường cho trẻ viêm da hoặc mô mềm do nhiễm khuẩn

Bạn cho trẻ dùng 12,5-25 mg/kg uống mỗi 12 giờ.

Liều thông thường cho trẻ trong phòng ngừa viêm nội tâm mạc vi khuẩn

Bạn sử dụng thuốc để thay thế đối với trẻ dị ứng penicillin: bạn cho trẻ dùng 50 mg/kg (tối đa 2 g), uống 1 lần 1 giờ trước khi phẫu thuật.

Cách dùng

Bạn nên dùng thuốc Ceporex® như thế nào?

Bạn nên sử dụng cephalexin đúng theo chỉ định và thực hiện các hướng dẫn như trên nhãn thuốc, không dùng thuốc với số lượng nhiều, ít hơn hoặc lâu hơn so với khuyến cáo.

Đặc biệt, bạn không sử dụng cephalexin để điều trị bất kỳ tình trạng nào mà không có sự kiểm tra của bác sĩ.

Bạn hòa tan viên nén phân tán vào trong một lượng nước nhỏ, khoảng 2 thìa nước, sau đó khuấy hỗn hợp và uống ngay. Để chắc rằng uống đủ liều, bạn thêm ít nước vào cốc trên, khuấy nhẹ và uống. Bạn không nên nuốt hoặc nhai viên nén phân tán.

Bạn nên lắc hỗn dịch uống (dạng lỏng) trước khi lấy thuốc. Lấy thuốc với một ống tiêm có sẵn đi kèm hoặc một muỗng chia liều.

Bạn cũng nên sử dụng thuốc đủ thời gian theo quy định. Triệu chứng bệnh có thể được cải thiện trước khi diệt hết được tất cả vi khuẩn. Việc bỏ qua liều cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và kháng kháng sinh. Cephalexin không được sử dụng để điều trị nhiễm virus như cúm hoặc cảm lạnh do virus.

Bạn không được dùng chung cephalexin với người khác kể cả khi họ có những triệu chứng tương tự mà bạn có. Thuốc có thể gây ra một số kết quả bất thường với các kết quả xét nghiệm. Do đó, bạn hãy nói với bác sĩ điều trị nếu đang sử dụng cephalexin.

Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.

Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Bất kỳ loại thuốc nào uống quá liều cũng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Nếu bạn nghi ngờ quá liều Ceporex®, hãy đi cấp cứu ngay lập tức.

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.

Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc Ceporex®?

Bạn nên gọi cấp cứu nếu có dấu hiệu của phản ứng dị ứng với cephalexin bao gồm:

  • Phát ban;
  • Khó thở;
  • Sưng mặt, môi lưỡi hoặc họng.

Báo cho bác sĩ nếu bạn có các triệu chứng sau:

  • Đau bụng dữ dội, tiêu chảy có máu;
  • Vàng da;
  • Dễ bầm tím, chảy máu bất thường (mũi, miệng, âm đạo hoặc trực tràng), các điểm đỏ hoặc tím dưới da;
  • Đi tiểu ít hoặc bí tiểu;
  • Kích động, lú lẫn áo giáo;
  • Phản ứng da nghiêm trọng: sốt, đau họng, sưng mặt hoặc lưỡi, phát ban đỏ, tím, phồng rộp, bong tróc.

Một số tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng cephalexin bao gồm:

  • Tiêu chảy;
  • Chóng mặt, cảm giác mệt mỏi;
  • Nhức đầu, đau khớp;
  • Ngứa âm đạo.

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Thận trọng/Cảnh báo

Trước khi dùng thuốc Ceporex® bạn nên lưu ý những gì?

Trước khi sử dụng thuốc bạn cần lưu ý:

  • Không nên sử dụng thuốc nếu bạn bị dị ứng với cephalexin hoặc các kháng sinh tương tự như Ceftin®, Cefzil®, Omnicef®, v.v. Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn bị dị ứng với bất kỳ các loại thuốc đặc biệt là penicillin hay nếu bạn bị các bệnh như gan, thận, dạ dày hoặc rối loạn đường ruột như viêm đại tràng, bệnh tiểu đường hoặc bị suy dinh dưỡng;
  • Sử dụng cephalexin đủ và đúng liều theo chỉ định của bác sĩ kể cả khi bạn hết bệnh;
  • Không sử dụng thuốc nếu bạn bị dị ứng với cephalexin hoặc các kháng sinh nhóm cephalosporin khác như: cefaclor (Raniclor®); cefadroxil (Duricef®); cefazolin (Ancef®); cefdinir (Omnicef®); cefditoren (Spectracef®); cefpodoxime (VANTIN®); cefprozil (Cefzil®); ceftibuten (Cedax®); cefuroxim (Ceftin®); cephradine (Velosef®).

Để đảm bảo cephalexin là an toàn cho bạn, báo cho bác sĩ nếu bạn có:

  • Dị ứng với bất kỳ loại thuốc (đặc biệt là penicillin);
  • Bệnh thận;
  • Tiền sử các vấn đề đường ruột, như viêm đại tràng.

Dạng thuốc nước của cephalexin có thể chứa đường, điều này có thể ảnh hưởng đến bạn nếu bị bệnh đái tháo đường.

Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc cho những trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật…)

Cephalexin không gây hại cho thai nhi. Hãy cho bác sĩ biết bạn đang mang thai hoặc dự định có thai trong thời gian sử dụng thuốc. Cephalexin có thể đi qua sữa mẹ và gây hại cho trẻ. Hãy nói cho bác sĩ biết nếu bạn đang cho con bú.

Tương tác thuốc

Thuốc Ceporex® có thể tương tác với thuốc nào?

Thuốc này có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Thuốc Ceporex® có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Thức ăn, rượu và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc Ceporex®?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Sự tương tác này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng sức khỏe của bạn hay thay đổi cách thức hoạt động của thuốc. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.

Bảo quản thuốc

Bạn nên bảo quản thuốc Ceporex® như thế nào?

Bạn nên bảo quản thuốc Ceporex® ở nhiệt độ phòng (không quá 25°C), tránh ẩm, tránh ánh sáng.

Bạn cất thuốc dạng lỏng ở trong tủ lạnh và vứt thuốc sau 14 ngày từ ngày mở nắp.

Dạng bào chế

Thuốc Ceporex® có những dạng và hàm lượng nào?

Thuốc Ceporex® có những dạng và hàm lượng sau:

  • Hỗn dịch dạng uống: cephalexin monohydrate 125 mg/ml;
  • Hỗn dịch dạng uống: cephalexin monohydrate 250 mg/ml;
  • Viên nén bao phim dạng uống: cephalexin monohydrate 1g;
  • Viên nén bao phim dạng uống: cephalexin monohydrate 250 mg;
  • Viên nén bao phim dạng uống: cephalexin monohydrate 500 mg.

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Ceporex Drug Information. http://www.catalog.md/drugs/ceporex.html. Ngày truy cập 9/11/2016

Ceporex (Cefalexin) 500 Mg. https://drugs-pharmaceuticals.knoji.com/ceporex-cefalexin-500-mg/. Ngày truy cập 9/11/2016

Cephalexin. https://www.drugs.com/cephalexin.html . Ngày truy cập 9/11/2016



Chuyên mục: Thông tin thuốc

Nguồn: hellobacsi.com

Leave a Comment