CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT U NGUYÊN BÀO THẦN KINH ĐỆM VÀ DI CĂN NÃO ĐƠN Ổ: GIÁ TRỊ CỦA CỘNG HƯỞNG TỪ KHUẾCH TÁN SỨC CĂNG VÀ ĐỊNH LƯỢNG TÍN HIỆU TRÊN CHUỖI XUNG FLAIR
CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT U NGUYÊN BÀO THẦN KINH ĐỆM VÀ DI CĂN NÃO ĐƠN Ổ: GIÁ TRỊ CỦA CỘNG HƯỞNG TỪ KHUẾCH TÁN SỨC CĂNG VÀ ĐỊNH LƯỢNG TÍN HIỆU TRÊN CHUỖI XUNG FLAIR
Nguyễn Hà Vi1, Nguyễn Duy Hùng1,2, Hoàng Văn Bình3
1 Trường Đại học Y Hà Nội
2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
3 Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Mục tiêu: Vai trò của giá trị FA, MD của chuỗi xung khuếch tán sức căng và định lượng tín hiệu trên chuỗi xung FLAIR trong chẩn đoán phân biệt u nguyên bào thần kinh đệm (GBM) và di căn não đơn ổ (MET) trên cộng hưởng từ 3.0 Tesla. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Phương pháp hồi cứu trên 50 bệnh nhân được chụp cộng hưởng từ sọ não trước sinh thiết hoặc phẫu thuật và được chẩn đoán GBM hoặc MET trên giải phẫu bệnh. Kết quả: Vùng quanh u ghi nhận giá trị FA (qFA) ở GBM lớn hơn và giá trị tín hiệu FLAIR thấp hơn có ý nghĩa thống kê so với MET (p<0,05). Giá trị FA, MD, FLAIR và tỷ lệ tương đối của FA, FLAIR với chất trắng lành tính đối diện ở vùng ngấm thuốc của khối u (uFA, uMD, uFLAIR, u/tFA, u/tFLAIR) ở GBM đều lớn hơn đáng kể so với ở MET có ý nghĩa thống kê. Sự kết hợp các giá trị uFA, uMD, uFLAIR, u/tFA, u/tFLAIR, qFA có giá trị cao nhất trong chẩn đoán phân biệt hai loại u với diện tích dưới đường cong 0,975, độ nhạy 88,6%, độ đặc hiệu 100%. Kết luận: Các giá trị uFA, uMD, uFLAIR, u/tFA, u/tFLAIR, qFA là các chỉ số hữu dụng trong chẩn đoán phân biệt GBM và MET. Sự kết hợp các chỉ số này giúp nâng cao giá trị chẩn đoán phân biệt hai loại u.
U nguyên bào thần kinh đệm (GBM) và di căn não là hai loại u não ác tính phổ biến nhất ở người trưởng thành. Di căn não thường được nghĩ đến khi phát hiện khối u não với tiền sử bệnh lý ác tính nguyên phát hoặc tổn thương đa ổ. Tuy nhiên chẩn đoán phân biệt GBM và di căn não gặp khó khăn với tổn thương đơn ổ do hai loại u trên có đặc điểm hình ảnh và hình thái ngấm thuốc tương tự nhau trên cộng hưởng từ thường quy1. Việc chẩn đoán phân biệt hai loại u là rất quan trọng do chúng có phương pháp điều trị khác biệt. Điều trị GBM bao gồm phẫu thuật cắt bỏ tối đa và hóa xạ trị. Trong khi hướng điều trị bảo tồn (không phẫu thuật) nên được cân nhắc với bệnh nhân di căn não.Cả hai loại u đều được bao quanh bởi vùng phù biểu hiện bằng vùng tăng tín hiệu trên ảnh T2 và FLAIR. GBM phát triển gây thâm nhiễm và xâm lấn mô xung quanh, còn di căn não có xu hướng mở rộng đè đẩy hơn là xâm lấn mô xungquanh. Giả thuyết cho rằng vùng phù ở di căn não là phù vận mạch đơn thuần và có lượng nước ngoại bào lớn hơn so với vùng phù có tế bào u thâm nhiễm ở GBM1. Do đó sự khác biệt giữa vùng phù vận mạch ở di căn não với vùng phù thâm nhiễm ở GBM là chìa khóa để chẩn đoán phân biệt hai loại u. Nhiều kỹ thuật cộng hưởng từ nâng cao như cộng hưởng từ phổ, cộng hưởng từ tưới máu và cộng hưởng từ khuếch tán sức căng (DTI) đã được sử dụng để nghiên cứu sự khác biệt ở vùng phù quanh u giữa hai loại u, tuy nhiên kết quả còn nhiều tranh cãi2. Có rất hiếm nghiên cứu sử dụng phân tích định lượng trên cộng hưởng từ thường quy trong chẩn đoán phân biệt hai loại u3. Ngoài ra, sự thay đổi giá trị FA (hệ số bất đẳng hướng) và MD (hệ số khuếch tán trung bình) của chuỗi xung DTI tại vùng u và quanh u của hai loại u có thể giúp phân biệt hai loại u này. Do đó, mục đích của nghiên cứu này là xác định sự khác biệt của các giá trị FA, MD của chuỗi xung DTI và định lượng tín hiệu trên chuỗi xung FLAIR trong chẩn đoán phân biệt GBM và MET
Leave a Reply