ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ TIÊM XƠ DỊ DẠNG TĨNH MẠCH DƯỚI HƯỚNG DẪN DSA
ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ TIÊM XƠ DỊ DẠNG TĨNH MẠCH DƯỚI HƯỚNG DẪN DSA
Bs Mai Thị Quỳnh1, Gs Phạm Minh Thông1, Bs Vũ Đăng Lưu1, Bs Lê Minh Nguyệt2
1 Trường đại học Y Hà Nội
2 Trung tâm Điện quang – Bệnh viện Bạch Mai
Mục đích: Mô tả đặc điểm hình ảnh của dị dạng tĩnh mạch (DDTM) trên chụp mạch và đánh giá kết quả điều trị bằng bọt gây xơ.
Đối tượng và phương pháp: nghiên cứu tiến cứu và hồi cứu mô tả từ tháng 11 năm 2015 đến tháng 7 năm 2019, có 17 bệnh nhân DDTM được điều trị bằng phương pháp gây xơ dưới máy chụp mạch số hoá xoá nền với 21 tổn thương và 46 đợt tiêm xơ. Đánh giá kết quả điều trị dựa vào sự cải thiện về lâm sàng ( đau- thang điểm VAS) và sự cải thiện về hình ảnh ( cộng hưởng từ – chụp đánh giá lại sau đợt tiêm xơ cuối cùng 6 tháng). Đáp ứng điều trị về mặt hình ảnh được phân thành 4 mức độ: đáp ứng xuất sắc: kích thước sau điều trị giảm trên 90% so với trước điều trị, đáp ứng tốt: giảm 50-90 %, đáp ứng trung bình giảm 10-50 %, không đáp ứng hoặc đáp ứng không đáng kể: dưới 10%. Đánh giá tái phát dựa vào tăng điểm đau VAS hoặc tăng kích thước trên hình ảnh cộng hưởng từ. Sử dụng SPSS 20.0 để phân tích và xử lý số liệu.
Kết quả: Có 17 bệnh nhân với độ tuổi từ 6 đến 59 ( trung bình: 26.5 ± 12.9), trong đó có 7/17 nam (38.9%) và 11/17 nữ ( 61.1%). Các tổn thương dị dạng tĩnh mạch được phân loại theo đặc điểm của tĩnh mạch dẫn lưu. Tổng 21 tổn thương: 3/21 tổn thương thuộc tuýp I (19 %); 12/21 tổn thương thuộc tuýp II (57.1%); 2/21 tổn thương thuộc tuýp III ( 9.5 %) và 4/21 tổn thương thuộc tuýp IV (19 %). Tổng số đợt tiêm xơ là 46, số đợt tiêm xơ trung bình 2.19 ± 1.7 lần/ tổn thương. Mức độ giảm kích thước trên MRI: xuất sắc có 8/21 trường hợp ( 38.1 %), tốt có 9/21 trường hợp ( 42.9 %), trung bình có 3/21 trường hợp (14.3 %), không
đáp ứng có 1 trường hợp (4.8 %). Điểm đau VAS trung bình sau điều trị 1 tháng: 1.4, 3 tháng: 0.9, 6 tháng: 1.1, nhỏ nhất là 0 và lớn nhất là 5. Tỷ lệ tái phát dài hạn với thời gian theo dõi từ 1- 2 năm có 3/4 bệnh nhân tái phát ( 75 %), trong đó 1/3 bệnh nhân vừa có tăng điểm đau VAS, vừa có tăng kích thước trên hình ảnh cộng hưởng từ, 2 bệnh nhân còn lại chỉ có tăng kích thước tổn thương trên hình ảnh. Không ghi nhận biến chứng nghiêm trọng nào xảy ra trong và sau quá trình tiêm xơ.
Kết luận: Tiêm xơ dưới hướng dẫn DSA là phương pháp an toàn và hiệu quả, làm giảm bớt kích thước và giảm đau cho bệnh nhân dị dạng tĩnh mạch có triệu chứng. Tuy nhiên, tỷ lệ tái phát dài hạn còn khá cao.
ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ TIÊM XƠ DỊ DẠNG TĨNH MẠCH DƯỚI HƯỚNG DẪN DSA