Giá trị của thang điểm SNAP trong tiên lượng tử vong ở trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên
Giá trị của thang điểm SNAP trong tiên lượng tử vong ở trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên
Nguyễn Diệp Anh, Nguyễn Bích Hoàng, Đoàn Thị Huệ, Nguyễn Thùy Dung, Nguyễn Thị Thu Minh
Mục tiêu: Xác định giá trị tiên lượng tử vong của thang điểm SNAP cho trẻ sơ sinh. Đối tượng và Phương pháp: Có 120 trẻ sơ sinh nhập viện trong vòng 24 giờ tuổi tại phòng NICU Khoa sơ sinh-Cấp cứu, Bệnh viện Trung Ương Thái Nguyên từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2021 được mô tả cắt ngang có theo dõi dọc. Kết quả: Tỷ lệ tử vong trong nghiên cứu là 18,3%. Chủ yếu là sơ sinh nam; 67,5% sơ sinh dưới 12 giờ tuổi; 69,2% sơ sinh dưới 37 tuần; 62,5% sơ sinh cân nặng < 2500 gram, 57,5% sinh thường. Điểm SNAP ≥ 21 có tỷ lệ tử vong cao chiếm 83,3%. Nhóm có điểm 0-5 điểm tỷ lệ tử vong thấp chiếm 1,9%. Điểm SNAP càng cao tỷ lệ tử vong càng cao. Điểm SNAP >12 có giá trị tiên lượng tử vong với độ nhạy 77,3% và độ đặc hiệu là 94,9%. Diện tích dưới đường cong ROC là 0,922 với p<0,01. Kết luận: Điểm số SNAP >12 có độ nhạy 77,3% và độ đặc hiệu là 94,9% trong có giá trị tiên lượng tử vong. Diện tích dưới đường cong của SNAP là 0,922.
Trong thành tựu chung của thế giới về giảm tử vong trẻ em, Việt Nam là một trong 8 nước trong tổng số 74 quốc gia được đánh giá là đạt tiến độ thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ 4 về giảm tử vong ở trẻ em. Ở các nước phát triển,
việc chăm sóc trẻ sơ sinh với tiến bộ trong hỗ trợ thông khí sơ sinh và đặc biệt là sử dụng chất surfactant không chỉ làm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh non tháng mà còn tăng khả năng sống sót cho trẻ cực kỳ non tháng. Tuy nhiên vẫn còn có tỷ lệ cao tử vong sơ sinh, nghiên cứu của Mohamed Omar năm 2019 tại Ethiopia cho thấy tỷ lệ tử vong trong tổng số sơ sinh nhập viện là 20,5% [1-4]. Để đánh giá nguy cơ tử vong sơ sinh, sử dụng các biến số có thể làm hạn chế tỷ lệ tử vong là mục đích nghiên cứu của các nước khác nhau và các trung tâm điều trị sơ sinh khác nhau.