Hiệu quả giảm đau sau mổ của phương pháp gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (erector spinae plane block) cho phẫu thuật tim hở
Hiệu quả giảm đau sau mổ của phương pháp gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (erector spinae plane block) cho phẫu thuật tim hở
Trần Việt Đức, Vũ Hoàng Phương, Đồng Thị Tú Oanh, Nguyễn Thị Quỳnh, Lê Thị Nhung, Nguyễn Văn Chung, Hoàng Thị Hương, Nguyễn Hữu Tú
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Áp dụng gây tê mặt phẳng cơ dựng sống giúp giảm đau và không cần sử dụng opioid sau phẫu thuật tim hở. Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá khả năng giảm đau sau mổ của phương pháp gây tê mặt phẳng cơ dựng sống cho phẫu thuật tim hở. Thiết kế nghiên cứu can thiệp lâm sàng không đối chứng được thực hiện từ tháng 6/2020 đến tháng 6/2021 tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. 54 bệnh nhân tuổi từ 18 đến 80, có chỉ định mổ tim hở theo kế hoạch, được đặt catheter ESPB hai bên ngay trước khi khởi mê, liều ropivacain tính theo cân nặng bệnh nhân, phối hợp thêm paracetamol truyền tĩnh mạch sau mổ. Điểm visual analogue scale, huyết áp trung bình khi nghỉ và khi vận động được đánh giá tại các thời điểm ngay sau rút nội khí quản và sau rút là 6, 12, 18, 24, 36, 48 giờ; đánh giá khí máu động mạch mỗi 24 và 48 giờ. Kết quả cho thấy điểm VAS trung bình khi nghỉ < 3 và khi vận động ≤ 4. Có 7,4% bệnh nhân phải chuẩn độ morphin; 3,7% bệnh nhân phải phối hợp PCA morphin. ESPB (Erector spinae plane block) không làm tụt huyết áp và các chỉ số khí máu động mạch trong giới hạn bình thường ở các thời điểm nghiên cứu; không có biến chứng sau phẫu thuật. Gây tê mặt phẳng cơ dựng sống là phương pháp an toàn hiệu quả trong giảm đau sau phẫu thuật tim hở.
Phẫu thuật tim hở có thể gây đau nghiêm trọng sau mổ và có nguy cơ ảnh hưởng nhiều đến chức năng hô hấp và có thể gây nhiều biến chứng hô hấp sau mổ, làm kéo dài thời gian nằm hồi sức sau mổ, tăng chi phí điều trị, tăng nguy cơ tử vong.1,2Chương trình tăng cường hồi phục sau phẫu thuật (ERAS) cũng đã nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của giảm đau, đặc biệt giảm đau đa mô thức cho các ca mổ tim.3 Đối với mổ tim hở, phương pháp gây tê ngoài màng cứng có thể mang lại hiệu quả giảm đau tốt nhưng lại phải đối diện với nguy cơ chảy máu tụ máu màng cứng do sử dụng heparin liều cao.4 Opioid có thể mang lại hiệu quả giảm đau nhưng lại gây nhiều tác dụng phụ như nôn, buồn nôn, bí tiểu, ức chế hô hấp, thậm chí có liên quan đến gia tăng tỷ lệ đau mạn tính và lạm dụng thuốc.5 Với đặc điểm chiều dài vết mổ chạy dọc thân xương ức nên yêu cầu giảm đau cần phong bế được các nhánh thần kinh chi phối tương ứng từ đốt sống ngực 2 đến 6. Phương pháp gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (Erector spinae plane block, ESPB) do tác giả Foreno và cộng sự công bố, áp dụng lần đầu năm 2016,6 đến nay được áp dụng khá rộng rãi cho các phẫu thuật tim, đặc biệt là cho phẫu thuật tim mở. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định hiệu quả của phương pháp này trong phẫu thuật tim hở,7 tăng cường hồi phục sau phẫu thuật.
https://thuvieny.com/hieu-qua-giam-dau-sau-mo-cua-phuong-phap-gay-te-mat-phang-co-dung-song/