Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và một số yếu tố liên quan đến tiên lượng ở bệnh nhân tăng áp lực động mạch phổi trung bình đến nặng

Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và một số yếu tố liên quan đến tiên lượng ở bệnh nhân tăng áp lực động mạch phổi trung bình đến nặng

Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và một số yếu tố liên quan đến tiên lượng ở bệnh nhân tăng áp lực động mạch phổi trung bình đến nặng.Tăng áp lực động mạch phổi (TALĐMP) là một tình trạng bệnh lý mạn tính liên quan tới rối loạn chức năng nội mạc ở các tiểu động mạch phổi dẫn tới sự tăng dần sức cản mạch phổi. Mặc dù cơ chế bệnh sinh của TALĐMP xuất phát từ những biến đổi tại hệ tuần hoàn phổi, nhưng hệ quả suy thất phải lại là yếu tố chính gây ra các biểu hiện bệnh tật và tử vong ở nhóm bệnh nhân này.
Tăng áp lực động mạch phổi là một bệnh hiếm với tỷ lệ hiện mắc ước tính là 15 – 50 ca trong 1 triệu dân. Số liệu từ các nghiên cứu sổ bộ về TALĐMP cho thấy có sự cải thiện về tỷ lệ sống theo thời gian. Các yếu tố dự báo sống còn khá tương đồng giữa các nghiên cứu sổ bộ tại các khu vực trên Thế giới bao gồm: nguyên nhân gây TALĐMP, tuổi, giới, khả năng hoạt động thể lực, các thông số đánh giá chức năng thất phải.
Điều trị phối hợp hiện nay được coi là điều trị chuẩn đối với hạ áp lực động mạch phổi với bằng chứng từ các thử nghiệm lâm sàng ủng hộ việc phối hợp thuốc sớm từ thời điểm chẩn đoán, nhằm cải thiện sống còn ở bệnh nhân TALĐMP.
 Do các nghiên cứu về TALĐMP ở Việt Nam chưa nhiều nên kinh nghiệm rút ra từ thực tế điều trị trên đối tượng bệnh nhân Việt Nam cũng chưa được đầy đủ dẫn tới việc theo dõi điều trị, tiên lượng, tư vấn cho bệnh nhân TALĐMP ở Việt Nam chưa được đồng nhất.
Với hiện trạng như trên, tại Việt Nam thực sự cần một nghiên cứu theo dõi với thời gian đủ dài để đánh giá đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng cũng như đánh giá nguy cơ và các yếu tố liên quan đến tiên lượng sống còn ở bệnh nhân TALĐMP trung bình-nặng. Vì vậy chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và một số yếu tố liên quan đến tiên lượng ở bệnh nhân tăng áp lực động mạch phổi trung bình đến nặng”.
1.    Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng ở bệnh nhân tăng áp lực động mạch phổi trung bình – nặng tại Viện Tim mạch Việt Nam và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
2.    Nghiên cứu một số yếu tố liên quan đến tiên lượng tử vong ở nhóm bệnh nhân này.
2.Tính cấp thiết của đề tài:
Bệnh lí TALĐMP là một bệnh hiếm nhưng gây hậu quả nặng nề lên chất lượng cuộc sốngvà tử vong, làm giảm tuổi thọ của bệnh nhân. Vì vậy cần có nghiên cứu toàn diện về bệnh lí này từ chẩn đoán đến điều trị để cung cấp cho thầy thuốc lâm sàng kiến thức nhất định để quản lí tốt những bệnh nhân TALĐMP đặc biệt là TALĐMP trung bình -nặng, cải thiện tử vong cho bệnh nhân.    
3.Đóng góp mới của luận án:
-Trình bày một nghiên cứu tổng thể và trong thời gian dài về bệnh TALĐMP trung bình -nặng về các khía cạnh lâm sàng bao gồm chẩn đoán, điều trị, các vấn đề lâm sàng liên quan, cận lâm sàng, khả năng chẩn đoán trong hoàn cảnh hiện nay của Y tế Việt Nam.
-Tìm hiểu và đưa ra một số yếu tố có giá trị dự báo tử vong ở nhóm bệnh nhân TALĐMP mức trung bình -nặng để phục vụ tiên lượng và theo dõi bệnh nhân.
4.Bố cục luận án:
Luận án gồm 136 trang. Ngoài phần đặt vấn đề (3 trang), phần kết luận (2 trang) và phần kiến nghị (1 trang) còn có 4 chương: Chương 1: Tổng quan tài liệu 47 trang, Chương 2: Đối tượng và phương pháp nghiên cứu 17 trang; Chương 3: kết quả: 30 trang; Chương 4: Bàn luận 36 trang. Luận án gồm: 38 bảng, 18 biểu đồ, 26 hình và 135 tài liệu tham khảo chủ yếu là tài liệu tiếng Anh).

Leave a Comment