Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, điện não đồ và hình ảnh cộng hưởng từ sọ não ở bệnh nhân động kinh từ 1-12 tháng tuổi
Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, điện não đồ và hình ảnh cộng hưởng từ sọ não ở bệnh nhân động kinh từ 1-12 tháng tuổi tại Bệnh viện Nhi Trung ương
Le Thi Loan
Mục tiêu: Phân loại cơn động kinh và đặc điểm điện não đồ, tổn thương não trên cộng hưởng từ ở trẻ bị động kinh từ 1 – 12 tháng tuổi.
Phương pháp: 83 bệnh nhi được chẩn đoán động kinh. Hỏi hoặc quan sát lâm sàng để phân loại cơn động kinh. Ghi điện não đồ xác định các biến đổi sóng điện não. Chụp cộng hưởng từ sọ não 1.5 Tesla tìm các tổn thương.
Kết quả: Động kinh toàn thể chiếm tỷ lệ 43,4% trong đó cơn co cứng – co giật chiếm tỷ lệ cao nhất 21,7%. Động kinh cục bộ chiếm tỷ lệ 54,2% trong đó cơn cục bộ đơn giản chiếm tỷ lệ 37,3%. Điện não đồ có có kịch phát dạng sóng động kinh điển hình chiếm 61,4%. Các tổn thương trên cộng hưởng từ được phát hiện là 40,9%, trong đó 14,5% tổn thương cấu trúc não bẩm sinh.
Kết luận: Biểu hiện lâm sàng cơn động kinh ở trẻ từ 1- 12 tháng tuổi rất đa dạng. Tỷ lệ ghi được sóng động kinh điển hình ngoài cơn thấp. Tỷ lệ động kinh ở trẻ 1-12 tháng có tổn thương cấu trúc não tương đối cao.
Động kinh là một bệnh mạn tính, đa dạng và phức tạp của hệ thần kinh trung ương. Theo WHO tỷ lệ mắc động kinh dao động từ 0,5-1% dân số thế giới trong đó 60% là trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi. Ở Việt Nam tỷ lệ hiện mắc động kinh dao động từ 4,9 đến 7,5/1.000 người tùy từng vùng Động kinh xuất hiện ở trẻ nhỏ thường có liên quan đến tổn thương ở não, thường diễn biến nặng, xu hướng kháng thuốc. Đặc biệt như hội chứng West, Dravet… Có nhiều nguyên nhân gây động kinh ở trẻ em, liên quan đến tổn thương não trong thời kỳ bào thai, trong quá trình sinh đẻ và quá trình phát triển của trẻ. Yếu tố di truyền cũng tham gia vào nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, để chẩn đoán nguyên nhân cho từng trường hợp cụ thể còn khó khăn, đặc biệt ở trẻ nhỏ cần được phát hiện sớm để đưa ra chiến lược điều trị hiệu quả và ít để lại những di chứng nặng