Nguyên lý thăm dò chức năng bệnh nhân cao tuổi

Nguyên lý thăm dò chức năng bệnh nhân cao tuổi

Cần có sự hỗ trợ của một trợ lý xã hội, người này luôn tiếp xúc với gia đình, bạn bè, các tổ chức dịch vụ công cộng để giải quyết các nhu cầu về chăm sóc

Chỉ căn cứ vào hỏi bệnh, khám thực thể, có được một chẩn đoán bệnh cũng chưa đủ để chăm sóc người bệnh được tốt. Cần phải đánh giá chức năng và trong việc chăm sóc người bệnh cũng cần sự hợp tác của nhiều chuyên khoa, chuyên ngành. Điều này càng đúng với bệnh nhân già quá yếu, người có nhiều nguy cơ cao. Chú trọng đến các bệnh nhân già trong tiền sử đã có tai biến mạch máu não, có di căn ung thư tuyến tiền liệt loãng xương. Trong một số trường hợp liệt giường cần có sự góp ý kiến của đại diện pháp luật. Cần sự tham gia trong từng trường hợp cần thiết của các chuyên khoa như:

(1) Chuyên khoa nội, tâm thần, ngoại.

(2) Tâm lý thần kinh đặc biệt khi cần xác định mức độ tổn thương thực thể, vị trí của các bộ phận suy yếu, tính chất các rối loạn tâm thần cảm xúc. Các nghiệm pháp thăm dò tâm lý thần kinh là cần thiết để xác định nguyên nhân thiếu hụt về trí tuệ, đặc biệt chú ý đến trầm cảm, bệnh Alzheimer, tai biến mạch máu não, mê sảng, hội chứng Korsakoff. Các thăm dò còn có thể xác định các chức năng còn lại, trên cơ sở đó có biện pháp phục hồi chức năng các bộ phận còn có thể phục hồi được.

(3) Cần có sự hỗ trợ của một trợ lý xã hội. Người này luôn tiếp xúc với gia đình, bạn bè, các tổ chức dịch vụ công cộng để giải quyết các nhu cầu về chăm sóc, được biết trong trường hợp bệnh nhân điều trị tại nhà. Một số vấn đề về kinh tế, gia đình, tình cảm có thể được giải quyết thồng qua hoạt động của trợ lý xã hội này.

(4) Cần một nhân viên chuyên về lao động liệu pháp giúp cho bệnh nhân phục hồi chức năng, mau chóng trở lại với mọi hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày (ADLs), chủ yếu là các hoạt động cần thiết cho sự tự chăm sóc mình. Nhưng động tác cần được luyện tập là trèo lên giường, bước xuống giường, đứng dậy, ngồi xuống ghế, tự làm vệ sinh thân thể, tắm rửa, đại tiểu tiện, tự mặc quần áo, tự phục vụ ăn uống và đi lại trong nhà, Khi cần thiết có thể sử dụng các dụng cụ trong sinh hoạt (IADLs = Instrumental activities of daily living). Nội dung có thể là tập mua bán nấu nướng, quản lý bên trong, dọn dẹp trong nhà, giặt giũ quần áo, sử dụng điện thoại, đi dạo khỏi nhà. Như vậy không phải chỉ có phục hồi chức năng thân thể mà cả tinh thần.

Việc thường xuyên thám hỏi tại nhà, có một tác dụng rất lớn, rèn luyện cho bệnh nhân cách sử dụng các chức năng của mình trong môi trường sống hàng ngày. Các lời khuyên thiết thực và đúng lúc có thể được đưa ra cho bệnh nhân cũng như cho gia đình họ. Ví dụ làm thế nào để giảm bớt tai nạn trong nhà (ngã, điện giật, bỏng, nhầm thuốc) nên làm các lan can để bệnh nhân vịn khi đi lại, mắc đèn ở những chỗ tối khó đi, mắc chuông bấm khi cần gọi người đến hỗ trợ, loại bỏ những bậc thềm trơn dễ ngã. Cần luôn chú trọng tắt bếp gaz khi thôi dùng, tháo công tắc điện khi đã sử dụng xong bàn là, lò sưởi điện. Phải bố trí sẵn sao cho khi có việc cần cấp cứu bệnh viện thì gọi xe nào.

Việc đánh giá đúng các chức năng và thực hiện các việc cần thiết như trên, có một ý nghĩa rất lớn đến việc bảo đảm chất lượng sống cho người già, hạn chế đến mức tối đa phải đưa họ vào các trại nuôi dưỡng tập trung.

Leave a Comment