NHẬN XÉT ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, CẬN LÂM SÀNG CỦA BỆNH NHÂN UNG THƯ BIỂU MÔ TUYẾN GIÁP THỂ NHÚ ĐƯỢC PHẪU THUẬT CẮT TOÀN BỘ TUYẾN GIÁP VÀ NẠO VÉT HẠCH CỔ
NHẬN XÉT ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, CẬN LÂM SÀNG CỦA BỆNH NHÂN UNG THƯ BIỂU MÔ TUYẾN GIÁP THỂ NHÚ ĐƯỢC PHẪU THUẬT CẮT TOÀN BỘ TUYẾN GIÁP VÀ NẠO VÉT HẠCH CỔ
Nguyễn Quốc An1, Nguyễn Quang Bảy1, Ngô Đức Kỷ2
1 Bệnh viện Bạch Mai
2 Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Mục tiêu: Nhận xét đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh nhân ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú (UTBMTGTN) được phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp và nạo vét hạch cổ. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 200 bệnh nhân được chẩn đoán, phẫu thuật UTBMTGTN và nạo vét hạch cổ tại khoa Tai Mũi Họng – Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 8/2021 đến tháng 7/2022. Đối tượng nghiên cứu được khai thác tiền sử, khám lâm sàng, cận lâm sàng trước và sau phẫu thuật để ghi nhận các chỉ số nghiên cứu. Kết quả: Đối tượng nghiên cứu có tuổi trung bình 43,6 ± 11,7 tuổi; tỷ lệ nam/ nữ = 4,6. Trên siêu âm, tỉ lệ bệnh nhân có 1 u giáp chiếm 69%, u giáp nằm ở thùy phải chiếm 50%, u giáp dưới 1cm chiếm 62%, khối u giảm âm chiếm 91%, có vôi hóa chiếm 73%, khối u phá vỡ vỏ chiếm 19%, TIRADS 4 chiếm 74,5%. Đa số bệnh nhân chức năng tuyến giáp bình thường trước phẫu thuật (86,5%). Kết luận: UTBMTGTN đang gia tăng trong những năm gần đây. Bệnh thường gặp ở nữ giới, tỉ lệ di căn hạch thường gặp ở nhóm bệnh nhân trẻ tuổi (< 45 tuổi). Hình ảnh trên siêu âm thường gặp: khối u giáp giảm âm, kích thước < 1cm, nằm ở thùy phải, có vôi hóa, đơn ổ và khu trú trong tuyên giáp. Nam giới, tuổi (< 45), kích thước u (≥ 1 cm), số lượng khối u, xâm lấn ngoài tuyến giáp là các nguy cơ độc lập của di căn hạch cổ.
Ung thư tuyến giáp là bệnh lý ác tính của hệ nộitiết thường gặp nhất, chứng kiến sự gia tăng ổn định về tỉ lệ mắc bệnh trong những thập kỉ gần đây, theo thống kê của GLOBOCAN năm 2018, ung thư tuyến giáp chiếm 3,1% và xếp ở vị trí thứ 11 trong tất cả các loại ung thư nói chung.[1]Theo phân loại mô bệnh học, ung thư biểu mô tuyến giáp gồm 4 nhóm chủ yếu là thể nhú, thể nang, thể tủy và thể không biệt hóa trong đó ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú hay gặp nhất, chiếm khoảng 80%. Ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú có tiên lượng tốt, tuy nhiên nó thường hay di căn đến các hạch bạch huyết ở cổ, xảy ra ở 37,3% theo một nghiên cứu trước đây.[2]Đây là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất liên quan đến sự tái phát, di căn xa, và khả năng sống sót của bệnh nhân.[3]Tuy vậy, rất khó xác định ung thư biểu mô tuyến giáp đã di căn hạch cổ hay chưa bằng siêu âm hoặc khám lâm sàng. Hiện nay, việc phẫu thuật viên chỉ nên loại bỏ các hạch bạch huyết cổtrung tâm trông bất thường tại thời điểm phẫu thuật hay liệu họ có nên loại bỏ tất cả các hạch bạch huyết có thể còn đang tranh cãi, bởi vì các rủi ro của phẫu thuật tăng khi loại bỏ các hạch bạch huyết vì chúng nằm gần dây thần kinh thanh quản và các tuyến cận giáp. Do đó, rất cần các dữ liệu cảnh báo bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể nhú đã có di căn hạch cổ hay chưa để các phẫu thuật viên định hướng khi phẫu thuật.Vì vậy chúng tôi chọn đề tài này nhằm đạt mục tiêu sau: Nhận xét đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh nhân ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú được phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp và nạo vét hạch cổ.