Thừa cân, béo phì và một số yếu tố liên quan của học sinh lớp 5 tại Hà Nội
Thừa cân, béo phì và một số yếu tố liên quan của học sinh lớp 5 tại Hà Nội
Nguyễn Thị Hải Yến1, Trần Quang Trung1, Nguyễn Thị Kiều Anh1, Đặng Thị Thanh Hà1
1 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Nghiên cứu mô tả cắt ngang tiến hành trên 2600 học sinh lớp 5 tại thành phố Hà Nội năm 2021 về thực trạng thừa cân và béo phì (TCBP) với một số yếu tố liên quan. Học sinh được cân đo nhân trắc và phỏng vấn bằng bộ câu hỏi. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ thừa cân béo phì ở học sinh lớp 5 là 37,8%, trong đó tỷ lệ thừa cân là 23,1% và béo phì là 14,7%. Tỷ lệ thừa cân, béo phì và thừa cân béo phì học sinh nam cao hơn so với học sinh nữ, khu vực nội thành cao hơn so với khu vực ngoại thành. Các yếu tố liên quan tới tình trạng thừa cân béo phì ở học sinh gồm: giới, khu vực sống, trình độ học vấn của mẹ, gia đình có người mắc thừa cân béo phì và tần suất ăn sáng. Do đó, cần thực hiện các giải pháp can thiệp để khống chế tình trạng thừa cân béo phì ở học sinh tiểu học tại thành phố Hà Nội, tập trung cho nhóm học sinh ở khu vực nội thành và có các yếu tố nguy cơ.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vào năm 2016, có hơn 1,9 triệu người lớn bị thừa cân và trên 650 triệu người bị béo phì.1 Năm 2019, khoảng 38 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị thừa cân hoặc béo phì và trên 340 triệu trẻ em và vị thành niên 5 – 19 tuổi mắc thừa cân béo phì.2 Theo báo cáo tổng điều tra dinh dưỡng năm 2019 của Viện Dinh dưỡng, Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng gấp ba gồm: suy dinh dưỡng thấp còi, thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng.3 Trong đó thừa cân béo phì ở trẻ em đang ngày càng gia tăng và là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến những bệnh lý không lây nhiễm.3 Do đó, quan tâm đến tình trạng thừa cân béo phì của trẻ em chính là một trong các yếu tố quan trọng để giảm gánh nặng bệnh tật ở lứa tuổi trưởng thành trong tương lai. Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ thừa cân béo phì lứa tuổi học đường cao nhất ở nhóm học sinh tiểu học.4 Đồng thời, dinh dưỡng cho học sinh tiểu học rất cần thiết vì giai đoạn tiểu học là thời kỳ quan trọng tạo tiền đề cho phát triển vượt bậc ở giai đoạn dậy thì.5 Theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng năm 2019, tỷ lệ thừa cân béo phì ở học sinh tiểu học tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là 41,9%, trong đó tỷ lệ béo phì là 22,7%.6 Thủ đô Hà Nội có vị trí địa lý – chính trị quan trọng, là đầu não chính trị hành chính Quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Tại Hà Nội, năm 1995 có tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì là 3,3% nhưng đến năm 2011 đã tăng lên 40,7%.6 Hiện nay tình trạng thừa cân béo phì của học sinh tiểu học tại Hà Nội cần cập nhật và có tính đại diện trên toàn thành phố, do đó chúng tôi tiến hành nghiên cứu “Thực trạng thừa cân béo phì của học sinh lớp 5 và một số yếu tố liên quan tại Hà Nội năm 2021 với 2 mục tiêu: 1. Xác định thực trạng thừa cân béo phì của học sinh lớp 5 tại Hà Nội năm 2021;2. Phân tích một số yếu tố liên quan tới thực trạng thừa cân béo phì của học sinh lớp 5 tại Hà Nội năm 2021.
Thừa cân, béo phì và một số yếu tố liên quan của học sinh lớp 5 tại Hà Nội