Thực trạng chấn thương cột sống ngực-thắt lưng và một số yếu tố liên quan của người bệnh tại khoa Phẫu thuật cột sống Bệnh viện Việt Đức năm 2019
Luận văn thạc sĩ y tế công cộng Thực trạng chấn thương cột sống ngực-thắt lưng và một số yếu tố liên quan của người bệnh tại khoa Phẫu thuật cột sống Bệnh viện Việt Đức năm 2019. Tai nạn thương tích là một vấn đề sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới với tỷ lệ tử vong và thương tích cao hơn so với các bệnh lây nhiễm và không lây. Ước tính mỗi năm trên thế giới có khoảng 830.000 trẻ dưới 18 tuổi tử vong do tai nạn thương tích, tương đương với khoảng 2.000 trẻ từ vong một ngày [44]. Ở Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế năm 2017, có hơn 88.000 ca tai nạn thương tích nhập viện tại Thành phố Hồ Chí Minh, chủ yếu là do tai nạn giao thông [1]. Tai nạn thương tích không chỉ là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và di chứng tàn tật suốt đời cho người bệnh, mà còn là gánh nặng tài chính lớn đối với nền kinh tế [44].
Một trong những vấn đề sức khỏe ít được đề cập cụ thể và nghiên cứu trong các chương trình phòng chống tai nạn thương tích là chấn thương cột sống. Chẩn thương cột sống là một chấn thương nặng, thường gặp trong tai nạn lao động, giao thông và sinh hoạt. Trong đó, chấn thương cột sống ngực – thắt lưng là loại chấn thương thường gặp nhất. Mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng như chấn thương cột sống cổ nhưng chấn thương cột sống ngực thắt lưng để lại nhiều di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, khả năng lao động, đời sống sinh hoạt, tâm sinh lý của người bệnh, là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Theo thống kê tại Mỹ, hàng năm có khoảng 20 – 64 trường hợp chấn thương cột sống trên 100.000 dân, khoảng 40 ca chấn thương tủy sống mới trong một triệu dân hoặc tổng số có khoảng 12.000 ca chấn thương tủy sống, chủ yếu ở nam giới với tỷ lệ 77%, tuổi trung bình của người bệnh trong ba thập kỷ gần đây khoảng từ 28,7 đến 39,5 tuổi, chi phí điều trị tốn kém hàng tỉ USD [54], [63]. Theo Tobias Ludwig do Nascimento và cộng sự năm 2016 nghiên cứu trên 32 người bệnh chấn thương cột sống cho thấy chấn thương cột sống ngực – thất lưng là thường gặp nhất chiếm 40,62%, vị trí đốt sống L1 hay gặp nhất (23,8%), tiếp theo là đốt sống lưng T12 (14,3%); tỷ lệ người bệnh bị chấn thương tủy sống là 40,62%. Chi phí trung bình nằm viện là 2.874.80 USD, tối thiểu là 1.212.74 USD và tối đa là 4681.17 USD [64].
Trên thế giới, tỷ lệ chấn thương cột sống có kèm tổn thương thần kinh là 15 – 20%. Ở Việt Nam, tỷ lệ này chiếm tới trên 70% do khả năng quản lý, hiểu biết về bệnh kém, vấn đề xử trí và sơ cứu ban đầu chưa đúng [37].
Bệnh viện Việt Đức là bệnh viện chuyên khoa hạng đặc biệt, là một trong những trung tâm phẫu thuật lớn nhất Việt Nam, tuyển cao nhất của ngành Ngoại khoa miền Bắc. Vì vậy, đa số bệnh nhân chấn thương cột sống đều được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức khám và điều trị. Theo báo cáo tổng kết của Bệnh viện Việt Đức, khoa Phẫu thuật cột sống năm 2019 đã khám và điều trị nội trú 6350 người bệnh, trong báo cáo cũng chưa có thông tin cụ thể về số lượng và tỷ lệ chấn thương cột sống, chấn thương cột sống ngực – thắt lưng [3].
Có thể có nhiều đề tài nghiên cứu về lâm sàng, chẩn đoán, đánh giá kết quả điều trị phẫu thuật chấn thương cột sống ngực – thắt lưng như đề tài của các tác giả Hoàng Tiến Bảo, Nguyễn Văn Thạch, Đỗ Đào Vũ, Hà Kim Trung, Nguyễn Lê Bảo Tiến, Nguyễn Đình Hòa, Đặng Thanh Tuấn,… nhưng có rất ít để tài nghiên cứu về thực trạng, đặc điểm dịch tễ học chấn thương cột sống ngực – thất lưng, các yếu tố liên quan và giải pháp can thiệp phòng chống chấn thương cột sống ngực – thắt lưng.
Để tìm hiểu thực trạng chấn thương cột sống ngực -thắt lưng hiện nay và những yếu tố liên quan đến chấn thương cột sống ngực thắt lưng, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: “Thực trạng chấn thương cột sống ngực – thắt lưng và một số yếu tố liên quan của người bệnh tại khoa Phẫu thuật cột sống Bệnh viện Việt Đức năm 2019” với hai mục tiêu sau:
1. Mô tả thực trạng chấn thương cột sống ngực – thắt lưng của người bệnh tại khoa Phẫu thuật cột sống Bệnh viện Việt Đức năm 2019.
2. Phân tích một số yếu tố liên quan đến mức độ chấn thương cột sống ngực – thắt lưng của đối tượng nghiên cứu
Nguồn: https://luanvanyhoc.com