THỰC TRẠNG TIÊM CHỦNG VẮC XIN VIÊM GAN B SƠ SINH VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN TẠI THÀNH PHỐ VINH, TỈNH NGHỆ AN, NĂM 2020
THỰC TRẠNG TIÊM CHỦNG VẮC XIN VIÊM GAN B SƠ SINH VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN TẠI THÀNH PHỐ VINH, TỈNH NGHỆ AN, NĂM 2020
Học viên: Tạ Minh Khuê
Giáo viên hướng dẫn: TS. Lê Thị Kim Ánh
Viêm gan B (VGB) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm cao. WHO đã khẳng định tiêm chủng vắc xin VGB là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất (1). Tiêm vắc xin Viêm gan B sơ sinh (VGBSS) trong 24h đầu sau sinh là biện pháp phòng bệnh tốt nhất cho trẻ em, phòng lây truyền VGB từ mẹ sang con. Thành phố Vinh là trung tâm văn hóa kinh tế chính trị của tỉnh, dịch vụ y tế được cung cấp khá đầy đủ nhưng tỷ lệ tiêm vắc xin Viêm gan B sơ sinh thấp. Đây cũng là câu hỏi đặt ra cho các nhà quản lý Y tế, ngành tiêm chủng mở rộng cần làm rõ.
Để đưa ra các khuyến nghị và các biện pháp nâng cao tỷ lệ tiêm chủng vắc xin Viêm gan B sơ sinh tại các thành phố lớn nói chung và TP. Vinh, tỉnh Nghệ An nói riêng, chúng tôi đã tiến hành thực hiện đề tài nghiên cứu “Thực trạng tiêm chủng vắc xin Viêm gan B sơ sinh và một số yếu tố liên quan tại thành phố Vinh, tỉnh nghệ An, năm 2020” với hai mục tiêu chính là mô tả thực trạng tiêm chủng vắc xin Viêm gan B sơ sinh tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An và phân tích một số yếu tố liên quan đến thực trạng tiêm chủng vắc xin Viêm gan B sơ sinh tại thành phố này. Nghiên cứu được tiến hành từ tháng 9/2019 đến tháng 12/2020 bằng nghiên cứu cắt ngang có phân tích, sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng (phỏng vấn 310 bà mẹ của 310 trẻ 2 – 3 – 4 tháng tuổi) và định tính (phỏng vấn sâu bà mẹ và cán bộ y tế) để thu thập thông tin.
Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tiêm chủng vắc xin Viêm gan B sơ sinh trong vòng 24h sau sinh tại TP.Vinh là 74,8%. Tỷ lệ bà mẹ có kiến thức đúng là bệnh VGB là 49,4%, có 8,2% bà mẹ có kiến thức đúng về 3 đường lây truyền của bệnh VGB. 54,2% bà mẹ có kiến thức đúng về vắc xin Viêm gan B sơ sinh. Hầu hết các bà mẹ tham gia nghiên cứu đều có thái độ tích cực trong việc tiêm chủng vắc xin Viêm gan B sơ sinh cho con (96,9%). Các yếu tố cản trở chính tác động đến việc không tiêm vắc xin Viêm gan B sơ sinh của bà mẹ là lo lắng về phẩn ứng sau tiêm chủng (39,8%) hay chất lượng vắc xin (12,9%). Nghiên cứu đã tìm ra mối liên quan đến thực trạng tiêm chủng vắc xin Viêm gan B sơ sinh tại địa phương như những trẻ sinh thiếu tháng có khả năng được tiêm vắc xin Viêm gan B sơ sinh chỉ bằng 0,09 lần so với trẻ sinh đủ tháng (KTC 95%: 0,04-0,15), những trẻ có cân nặng <2500g có khả năng được tiêm vắc xin Viêm gan B sơ sinh chỉ bằng 0,29 lần so với trẻ cân nặng ≥2500g (KTC 95%: 0,08-0,99), trẻ sinh thường có khả năng được tiêm vắc xin Viêm gan B sơ sinh cao hơn 1,79 lần so với nhóm trẻ sinh mổ (KTC 95%: 1,08-2,97).
Nghiên cứu định tính cũng cho thấy chính sách hỗ trợ, cách thức triển khai, quy trình tư vấn cũng có ảnh hưởng đến thực trạng tiêm chủng vắc xin Viêm gan B sơ sinh. Để nâng cao tỷ lệ tiêm chủng vắc xin Viêm gan B sơ sinh tại TP.Vinh tỉnh Nghệ An, Bộ Y tế nói chung các ban ngành liên quan tại TP. Vinh cần tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao và cập nhật kiến thức cho CBYT từ đó làm công tác tuyên truyền, tư vấn đến các bà mẹ trong quá trình khám thai. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông trong cộng đồng về bệnh Viêm gan B cũng như là tầm quan trọng của việc tiêm chủng vắc xin Viêm gan B sơ sinh
Nguồn: https://luanvanyhoc.com