Triệu Chứng Học Thần Kinh Trụ – Bài Giảng ĐHYD TPHCM

Triệu Chứng Học Thần Kinh Trụ – Bài Giảng ĐHYD TPHCM

1. VẬN ĐỘNG CÁC CƠ

– Mô út:

+ Gan tay ngắn

+ Dạng ngón út

+ Đối ngón út

+ Gấp ngón út ngắn

– Các cơ gian cốt

– Cơ giun 3 và 4

– Khép ngón cái

– Bó sâu và cơ gấp ngón cái

2. VÙNG CẢM GIÁC

Mặt gan nửa trong (nửa trụ) bàn tay, ngón út, nửa trong ngón nhẫn, nửa trong mu bàn tay.

3. TRIỆU CHỨNG

3.1. Vận động

– Gập và áp bàn tay vào cẳng tay gần như không được do liệt cơ trụ trước; tuy nhiên nhờ các cơ gan tay lớn và bé và cơ trụ sau (do dây quay điều khiển) nên bàn tay còn gấp và áp được ít nhiều.

– Khả năng gấp các ngón nhẫn, út bị giảm do liệt hai bó trong của cơ gấp chung sâu. Động tác gấp đốt ba (trên đốt hai) bị ảnh hưởng, trong khi gấp đốt hai (trên đốt một) còn thực hiện được nhờ cơ gấp chung nông (do dây giữa điều khiển). Gấp đốt một (trên xương bàn) cũng như duỗi đốt 2, 3 không thực hiện được do liệt các cơ gian cốt. Chức năng này có thể còn giữ được một phần đối với ngón trỏ và giữa nhờ cơ giun 1 và 2 (dây giữa điều khiển).

– Không còn khả năng dạng và áp các ngón do liệt các cơ gian cốt mu và gan tay. Khi khám để bàn tay trên mặt phẳng (bàn) nhằm tránh các nhóm cơ khác “giúp đỡ”. Động tác kẹp tờ giấy giữa ngón cái và ngón trỏ không thực hiện được do mất cử động áp ngón cái. Để giữ được tờ giấy, phải dùng hai đầu ngón tay, động tác này do các cơ đối và gấp ngón cái dài thực hiện và như vậy từ động tác kẹp phải dùng sức mạnh (bấm) để giữ tờ giấy. Đây là dấu Froment. Động tác đối giữa ngón cái và ngón nhẫn cũng khó khăn, có khi không thực hiện được.

– Liệt các cơ mô út làm cho ngón nhẫn không gấp, áp được.

– Bàn tay ở tư thế vuốt trụ vì mất thăng bằng giữa các cơ gian cốt bị liệt và các cơ duỗi gấp các ngón. Các cơ gian cốt là cơ gấp của các đốt 1, lại là cơ duỗi với các đốt 2 và 3. Các cơ duỗi ngón tay làm duỗi các đốt 1, các cơ gấp (gấp đốt 2, 3) gấp các cơ đốt kia. “Vuốt trụ” không xảy ra ở các ngón 2 và 3 nhờ các cơ giun 1 và 2 có chức năng tương tự như cơ gian cốt: gấp duỗi đốt ngón tay, do dây giữa điều khiển.

3.2. Cảm giác

– Giảm hoặc mất cảm giác ở:

+ Mặt gan bàn tay: ngón út, nửa trong (trụ) ngón nhẫn, và gan bàn tay từ đường trục của ngón nhẫn vào trong.

+ Mặt mu bàn tay: Ngón út, đốt 1 và nửa trong các đốt 2-3 của ngón nhẫn, nửa trong đốt một ngón giữa và mu bàn tay từ đường trục của ngón giữa vào trong.

– Cảm giác chủ quan: tê hoặc đau thần kinh ở lĩnh vực do dây trụ chi phối.

3.3. Rối loạn dinh dưỡng

– Teo cơ, tạo rãnh giữa các xương bàn tay (mặt mu), teo mô út và các khoang giữa các ngón tay làm dẹp mô cái. Teo cơ và mất cân bằng giữa các cơ của bàn tay tạo nên “vuốt trụ” (đã nói ở trên): gấp không hoàn toàn của ngón út và nhẫn (chủ yếu ở đốt 2) kèm với xanh tím hai ngón này. Đỏ ửng ở mặt trong bàn tay, da mỏng và phù, teo cơ, co kéo gân, dính gân vào bao hoạt dịch làm cố định tư thế gấp các ngón nhẫn, út (đôi khi cả ngón trỏ và giữa) tạo nên “vuốt trụ” không hồi phục kèm với co kéo cân bàn tay.

4. NGUYÊN NHÂN

4.1. Đứt dây thần kinh

Thường ở khuỷu hay cổ tay, do dao, mảnh kính hoặc đạn bắn (hiếm).

4.2. Chèn ép, kéo dãn hoặc dập thần kinh

Những nơi thần kinh hay bị chèn ép:

– Rãnh trong (rãnh thần kinh trụ ở cánh tay) do chấn thương kèm gẫy đầu dưới xương cánh tay, gẫy mỏm ròng rọc hoặc xương trụ. Có thể chèn ép ngay sau chấn thương hoặc do tổ chức xơ, sẹo, can xấu bao quanh dây thần kinh hoặc dây thần kinh bị kéo dãn do cẳng tay bị lệch ở tư thế vẹo ra (valgus).

– Trong ống trụ do cân nối hai bó cơ trụ trước ép vào.

– Trong khoang Guyon sau gãy xương hoặc chấn thương tối thiểu lắp đi lắp lại (gặp ở thợ mộc, thợ giày, vận động viên xe đạp).

4.3. Nhiễm độc hoặc nhiễm trùng thần kinh ít gặp (bệnh phong)

Leave a Comment