11 Nguyên nhân đau dạ dày bắt nguồn từ lối sống
Sau đây là một số nhân tố tưởng chừng như vô hại nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ đến dạ dày như ăn uống không đúng giờ, ăn quá nhanh, ăn nhiều, bị lạnh… Đó là những nguyên nhân chính gây đau dạ dày bắt nguồn từ lối sống không lành mạnh.
1. Ăn uống không đúng giờ
Ngày nay, công việc chiếm phần đa thời gian của các bạn trẻ do họ thường không để ý đến việc phải tạo thói quen sinh hoạt đúng giờ. Nhiều lúc giờ ăn thì đi ngủ và giờ ngủ thì lại đi ăn vì vậy việc đau dạ dày cũng là điều dễ hiểu khi ta bắt bộ máy tiêu hóa sinh hoạt không theo nhịp sinh học.
Bạn nên biết dạ dày là một cơ quan rất tuân thủ “thời gian biểu.” Trong một ngày, sự bài tiết dịch vị của nó sẽ có lúc ở mức nhiều nhất và ít nhất mang tính sinh lý để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu hóa thức ăn kịp thời.
Khi axít dạ dày và enzim có trong dịch vị không có thức ăn trung hòa, sẽ tự tiêu hóa chính niêm mạc dạ dày, gây hư hại niêm mạc dạ dày, đặc biệt là tại thời điểm dịch vị tiết ra ở mức nhiều nhất. Do đó, nếu bạn ăn uống không đúng giờ sẽ dễ mắc các căn bệnh về dạ dày.
2. Ăn quá nhiều vào buổi tối
Việc bạn bỏ qua bữa sáng, ăn bữa trưa vội vàng để rồi quay lại làm việc ngay, để rồi đến bữa tối lại ăn thật nhiều hoặc ăn đêm sẽ khiến hệ tiêu hóa vốn rất khỏe mạnh của bạn dễ dàng bị suy yếu.
Bởi việc ăn tối quá no hoặc ăn đêm không chỉ sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ, gây béo phì mà còn ép đường ruột của bạn làm việc quá tải trong, khiến dịch vị dạ dày tiết ra quá mức gây ăn mòn niêm mạc dạ dày. Đây là nguyên nhân dẫn đến các căn bệnh như viêm, loét dạ dày.
3. Ăn uống không vệ sinh
Việc ăn uống không vệ sinh rất dễ khiến bạn mắc các căn bệnh về đường ruột như viêm dạ dày cấp tính, đau dạ dày, đầy bụng, buồn nôn… Đặc biệt, trong mùa hè nóng nực, khi các loại vi khuẩn phát triển sinh sôi một cách nhanh chóng, thực phẩm rất đễ biến chất, việc ăn uống các loại thực phẩm không tươi mới sẽ khiến bạn càng dễ mắc những căn bệnh này
Vi khuẩn Helicobacter pylori là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh dạ dày mãn tính, lây nhiễm qua đường ăn uống không vệ sinh. Helicobacter pylori ký sinh trong niêm mạc dạ dày và tá tràng, gây viêm niêm mạc, dẫn đến các căn bệnh dạ dày. Nó cũng tồn tại trong khoang miệng và nước bọt của người mắc bệnh.
Do đó, không ăn uống chung đụng có thể làm giảm nguy cơ nhiễm loại vi khuần này. Đặc biệt, điều này càng phải được chú trọng hơn, nếu trong nhà bạn có người mắc bệnh viêm loét dạ dày.
4. Thói quen ăn uống với các đồ cay nóng
Vị cay, đặc biệt là vị cay của ớt, có thể gây bỏng da nếu ở mức độ đậm đặc. Vì thế, vị cay chắc chắn sẽ có hại cho niêm mạc dạ dày, đặc biệt đối với những người bị loét dạ dày từ trước. Hơn nữa, ăn quá cay cũng ảnh hưởng đến men tiêu hoá của dạ dày, gây khó tiêu.
Ăn nhiều đồ cay nóng làm gia tăng nguy cơ đau dạ dày (ảnh minh họa)
5. Bị lạnh
Dạ dày là cơ quan rất mẫn cảm với khí hậu và nhiệt độ bên ngoài. Khi cơ thể chúng ta bị lạnh, dạ dày sẽ co thắt, gây ra các triệu chứng như đau dạ dày, khó tiêu, nôn, tiêu chảy…
Thông thường chúng ta chỉ chú ý phòng lạnh giữ ấm vào đông, mà không biết được, ngay cả trong mùa hè, việc ăn uống đồ lạnh hoặc ngồi lâu dưới môi trường điều hòa cũng có thể khiến cho dạ dày bị lạnh mà ảnh hưởng đến chức năng.
6. Mệt mỏi quá sức
Dù là lao động thể chất hay tinh thần, thì làm việc quá tải cũng sẽ khiến bạn mệt mỏi quá sức. Điều này không chỉ làm giảm sức đề kháng của cơ thể, mà còn làm suy yếu chức năng phòng ngự của niêm mạc dạ dày, dễ dẫn đến việc dạ dày bị mất cân bằng chức năng bài tiết do không được cấp đủ máu, khi dạ dày dư thừa axít, niêm dịch dạ dày ít đi, niêm mạc dạ dày sẽ bị tổn hại.
7. Căng thẳng tinh thần
Sự phát sinh và phát triển của không ít các căn bệnh dạ dày có liên quan chặt chẽ với tâm trạng và tinh thần chúng ta. Sự căng thẳng, phiền não hay tức giận sẽ tác động đến chức năng bài tiết, vận động và tiêu hóa của dạ dày. Do đó, người trầm cảm, hay lo lắng hoặc bị tổn thương tinh thần lâu sẽ dễ mắc bệnh loét dạ dày.
8. Uống nhiều rượu
Rượu nếu uống nhiều không chỉ làm hại gan, khiến da bị mất nước, giết chết tế bào não mà còn gây hại trực tiếp đến niêm mạc dạ dày, khiến niêm mạc dạ dày bị viêm, rữa, loét hoặc xuất huyết. Ngoài ra, uống rượu còn làm chậm quá trình khỏi của bệnh loét dạ dày. Do đó, người có bệnh dạ dày, tuyệt đối không được uống nhiều rượu.
9. Nghiện thuốc lá
Thuốc lá không những gây hại cho hệ hô hấp mà còn làm hại đến dạ dày. Người hút thuốc quá nhiều sẽ càng dễ mắc bệnh viêm dạ dày.
Điều này là do nicotine trong thuốc lá sẽ làm hại niêm mạc dạ dày ở một số mặt sau: thúc đẩy sự co thắt mạch máu, làm giảm sự cung cấp huyết dịch cho niêm mạc dạ dày; ức chế sự tổng hợp Prostaglandin có vai trò bảo vệ phục hồi niêm mạc dạ dày; ảnh hướng đến chức năng làm rỗng của dạ dày, dễ gây ra chẩy mật ngược trong dạ dày mà cholat thành phần chủ yếu trong dịch mật có thể gây tổn hại lớn cho niêm mạc dạ dày; thúc đẩy sự bài tiết axít và pepsin trực tiếp ăn mòn niêm mạc dạ dày.
Hút thuốc lá không chỉ gây hại cho phổi mà còn hại cả dạ dày (ảnh minh họa)
10. Lạm dụng thuốc
Rất nhiều loại thuốc có thể gây cho hại niêm mạc dạ dày. Ví dụ, các loại thuốc chống viêm không steroid như phenylbutazone, ibuprofen, indomethacin, aspirin đều tạo tác dụng giảm đau thông qua cơ chế ức chế tổng hợp prostaglandin có vai trò bảo vệ niêm mạc dạ dày.
Ngoài ra, các loại thuốc nội tiết có chứa corticosteroid cũng thường gây viêm, loét hoặc thủng dạ dày.
Do đó, khi sử dụng các loại thuốc này, bạn nên tuân theo sự chỉ định của bác sĩ và tốt nhất nên uống sau khi ăn hoặc đồng thời uống thêm các chất có tác dụng bảo vệ dạ dày như sucralfat.
11. Ăn quá nhanh, không nhai kỹ
Bạn có thói quen ăn quá nhanh, nhai không kỹ sẽ khiến thức ăn không được tiêu hóa kỹ ở khoang miệng, trực tiếp chuyển đến dạ dày khi vẫn ở dạng thô để tiêu hóa tiếp. Điều này sẽ trực tiếp làm hại niêm mạc dạ dày, tăng gánh nặng và thời gian làm việc cho dạ dày, làm mệt mỏi cơ bắp dạ dày và giảm nhu động dạ dày.
Vì vậy, bạn nên tạo cho mình thói quen ăn từ từ nhằm tăng sự tiết nước bọt, có lợi cho tiêu hóa và hấp thụ thức ăn tốt hơn.
Những điều khuyên nên làm để tránh bệnh đau dạ dày
- Ăn chín: thức ăn nấu chín, kể cả rau sống cũng phải luộc chín.
- Ăn đúng giờ: Ăn uống vào một giờ cố định.
- Không ăn quá nhanh, nên nhai kỹ
- Không ăn quá chua, quá cay
- Không ăn thức ăn cứng, giảm mỡ béo, ăn ít thực phẩm khó tiêu, đầy bụng như gạo nếp, rau cần, măng, các loại, gân động vật, , không ăn quá nhiều, ăn uống ít các loại đậu, sữa.
- Kiêng bia rượu, thuốc lá, cafe, nước có gas
- Tránh thức uống gây ảnh hưởng dạ dày như Vitamin C, thuốc dạng sủi bọt, thuốc đau nhức, giảm đau, chống viêm…
Benh.vn tổng hợp
Theo Benh.vn