ẢNH HƯỞNG CỦA ÁNH NẮNG MẶT TRỜI LÊN ĐỘ ẨM VÀ ĐỘ MẤT NƯỚC QUA THƯỢNG BÌ TRÊN SINH VIÊN ĐẠI HỌC Y DƯỢC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
ẢNH HƯỞNG CỦA ÁNH NẮNG MẶT TRỜI LÊN ĐỘ ẨM VÀ ĐỘ MẤT NƯỚC QUA THƯỢNG BÌ TRÊN SINH VIÊN ĐẠI HỌC Y DƯỢC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Châu Ngọc Hân1, Lý Khánh Vân2, Phạm Lê Duy2
TÓM TẮT :
Đặt vấn đề: Chỉ số đo độ ẩm (SCH) và độ mất nước qua thượng bì (TEWL) có thể đánh giá được đặc điểm của hàng rào thượng bì của da ở mỗi người. Việc đo đạc các chỉ số SCH và TEWL giúp đánh giá sự ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời lên chức năng thượng bì.
Mục tiêu: So sánh sự khác biệt về độ ẩm (SCH) và độ mất nước qua thượng bì (TEWL) của da dưới tác động của tiếp xúc ánh nắng mặt trời, theo giới tính và giữa các màu sắc da khác nhau.
Đối tượng – Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang. 88 sinh viên tuổi từ 18-25, được chọn tham gia vào nghiên cứu. Vị trí đo đạc là vùng da cẳng tay (tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời), vùng da cánh tay (tiếp xúc ít với ánh nắng mặt trời). Hai chỉ số TEWL và SCH được ghi nhận bởi thiết bị GP Skin Pro khi áp nhẹ lên bề mặt da cần đo.
Kết quả: SCH ở vùng da tiếp xúc ít với ánh nắng mặt trời là 26,50 ±10,34 a.u. cao hơn giá trị SCH ở vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời (20,02 ± 9,58 a.u., p <0,001). TEWL của vùng tiếp xúc ít với ánh nắng mặt trời (5,58 ± 3,25 g.m-2.h-1) có vẻ cao hơn TEWL của vùng tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời (5,71 ± 2,74 g.m-2.h-1), tuy nhiên sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê (p >0,05). TEWL trung bình của nam và nữ không khác biệt có ý nghĩa thống kê (p >0,05), trong khi đó SCH trung bình của nam cao hơn đáng kể so với của nữ ghi nhận ở cả hai vùng tiếp xúc ít và nhiều với ánh nắng mặt trời (p=0,002; p=0,007). Không có sự khác biệt về TEWL, SCH giữa các màu sắc da khác nhau ở vùng tiếp xúc ít lẫn vùng tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời.
Kết luận: Tiếp xúc mạn tính với ánh nắng mặt trời có thể tổn thương hàng rào bảo vệ da, nhất là đối với giới nữ.
Tác hại của ánh nắng mặt trời chủ yếu đến từ tia UV. Chúng âm thầm thúc đẩy quá trình lão hoá, gây nên tình trạng kích ứng với ánh nắng và rối loạn sắc tố da dẫn đến việc hình thành các vết thâm, nám, sạm, nếp nhăn, khô da,… và là một trong số những nguyên nhân dẫn đến ung thư da. Tác hại từ ánh nắng thường không dễ thấy ngay mà nó bền bỉ và âm thầm trong một thời gian dài cho đến khi dấu hiệu biểu hiện trực tiếp ra bên ngoài thì khi đó tình trạng da đã khó cứu vãn(1,2). Chúng tôi tiến hành thực hiện nghiên cứu này với mong muốn thông qua chỉ số đo độ ẩm (SCH) và độ mất nước qua thượng bì (TEWL) để đánh giá được đặc điểm của hàng rào thượng bì ở vùng da tiếp xúc ít và nhiều với ánh nắng mặt trời. trên các sắc độ da khác nhau, từ đó có chiến lược chăm sóc da hiệu quả, nhất là đối với vùng da tiếp xúc nhiều và vùng da tiếp xúc ít với tia UV của ánh nắng mặt trời.