BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN Ở HỌC SINH 3 TRƯỜNG THPT HUYỆN SÓC SƠN, HÀ NỘI NĂM 2019

BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN Ở HỌC SINH 3 TRƯỜNG THPT HUYỆN SÓC SƠN, HÀ NỘI NĂM 2019

BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN Ở HỌC SINH 3 TRƯỜNG THPT HUYỆN SÓC SƠN, HÀ NỘI NĂM 2019
Học viên: Nguyễn Phương Anh
Giáo viên hướng dẫn: TS. Dương Minh Đức
Trong những năm gần đây, bạo lực trong nhóm học sinh phổ thông có chiều hướng diễn ra phức tạp và phổ biến, gia tăng về tỉ lệ cũng như cường độ, trở thành mối quan ngại đối với cha mẹ, thầy cô và xã hội nói chung…Thực trạng này ở huyện Sóc Sơn tuy đã được tìm hiểu nhưng chưa có nhiều nghiên cứu mô tả cụ thể về vấn đề bạo lực học đường (BLHĐ). Câu hỏi được đặt ra đó là tình trạng BLHĐ ở học sinh trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn huyện Sóc Sơn đang ở mức như thế nào? Và những yếu tố gì liên quan tới tình trạng này ở học sinh THPT ở huyện Sóc Sơn? Nhằm phục vụ việc tìm những bằng chứng khoa học để mô tả thực trạng BLHĐ và mối liên quan giữa các yếu tố tới tình trạng trên, học viên tiến hành thu thập số liệu tại các trường trên địa bàn huyện Sóc Sơn, bao gồm trường THPT Đa Phúc, THPT Lạc Long Quân và Trung tâm GDTX huyện Sóc Sơn.
Nghiên cứu sử dụng thiết kế cắt ngang có phân tích. Dữ liệu được sử dụng một phần từ đề tài “Đánh giá các hành vi nguy cơ với sức khỏe trẻ vị thành niên tại Hà Nội năm 2019”(YRBSS), được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu trường Đại học Y tế công cộng trên bộ công cụ được thiết kế online. Kết quả thống kê mô tả cho thấy, tại 3 trường được tiến hành khảo sát của huyện Sóc Sơn với 757 học sinh, tỷ lệ học sinh bị bạo lực trong 12 tháng qua là 12%, học sinh đã từng có hành vi bạo lực chiếm 18% và 5,2% học sinh vừa tham gia bạo lực vừa bị bạo lực. Phân tích hồi quy đa biến logistic cho kết quả những yếu tố liên quan có ý nghĩa thống kê (p<0,05) tới tình trạng BLHĐ bao gồm hạnh kiểm của học sinh, tình trạng gia đình liên quan đến nghề nghiệp của bố, mẹ, tần suất xảy ra bạo lực gia đình, có bạn thân tham gia BLHĐ, không đến trường vì cảm thấy không an toàn; từng bị ăn trộm hoặc phá hoại tài sản, các hành vi liên quan như từng mang vũ khí bên mình, có tần suất tiếp xúc với ấn phẩm, nội dung bạo lực, việc ĐTNC gặp vấn đề về thể chất, tinh thần. Trong 12 tháng qua, bạo lực lời nói (13,9%) và bạo lực qua mạng (11,6%) được ĐTNC thực hiện bạo lực nhiều nhất. Những học sinh bị bạo lực qua hình thức bạo lực qua mạng là chủ yếu (10,6%). 
Tuy kết quả mô tả được thực trạng BLHĐ ở học sinh, nhưng do vẫn tồn tại một vài hạn chế, nên cần tiếp tục nghiên cứu về chủ đề này nhằm có thêm bằng chứng để kết luận những yếu tố liên quan tới tình trạng bạo lực của học sinh trên địa bàn huyện. Ngoài
ra, nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với gia đình trong việc giám sát học sinh, hỗ trợ cả về mặt tinh thần, định hướng và giúp đỡ con em mình trong việc ra quyết định nhằm góp phần ngăn chặn bạo lực, đảm bảo môi trường sống và học tập an toàn và lạnh mạnh. Đặc biệt, học sinh cần phải xây dựng mối quan hệ bạn bè tích cực, chủ động chia sẻ với người lớn về những mẫu thuẫn trong cuộc sống, những vấn đề tâm tư, tích cực tham gia hoạt động tập thể và biết sàng lọc, tiếp nhận thông tin phù hợp để không trở thành nạn nhân của BLHĐ và thực hiện bạo lực

Leave a Comment