Bệnh rối loạn thần kinh thực vật dễ chẩn đoán nhầm
Rối loạn thần kinh thực vật có ảnh hưởng tới các hệ cơ quan hoạt động tự động của cơ thể như hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa…Biểu hiện rối loạn thần kinh thực vật hay gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác, dẫn đến dễ chẩn đoán nhầm điều trị không chính xác nên không đạt được hiệu quả điều trị.
Hệ thần kinh thực vật hay gọi là hệ thần kinh tự chủ chi phối các vận động nội tạng, chỉ huy hoạt động tự động không theo ý muốn của người, bao gồm hoạt động của các cơ quan như tiêu hóa, tuần hoàn, hô hấp, bài tiết…
Hệ thần kinh thực vật dựa trên chức năng hoạt động được chia thành hệ giao cảm và phó giao cảm. Hai hệ thần kinh thực vật này hoạt động trái ngược nhau (ví dụ như hệ thần kinh giao cảm tác động trên tim gây tim đập nhanh dẫn đến tăng huyết áp, con hệ phó giao cảm thì ngược lại làm tim đập chậm, gây hạ huyết), nhưng sự trái ngược này là sự bổ sung cho nhau, kết hợp hài hòa tạo nên các hoạt động bình thường trong cơ thể.
Trong một số trường hợp, vì nguyên nhân nào đó dẫn đến sự mất cân bằng của hệ phó giao cảm và giao cảm dẫn đến bệnh thần kinh thực vật, tùy thuộc vào mà biểu hiện triệu chứng trên các cơ quan khác nhau.
Nguyên nhân gây rối loạn thần kinh thực vật rất đa dạng, bao gồm các nguyên nhân sau:
- Bệnh lý tự miễn: Lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng Sjogren
- Tổn thương hạch thần kinh do phẫu thuật vùng cổ hoặc xạ trị
- Mắc bệnh đái tháo đường là một trong những nguyên nhân phổ biến gây bệnh
- Mắc bệnh truyền nhiễm do virus, vi khuẩn
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc điều trị ung thư, thuốc chống trầm cảm…
- Các bệnh lý về thoái hóa thần kinh như teo não, Parkinson, Alzheimer ..
- Sử dụng rượu, thuốc lá, các chất tác động tâm thần như thuốc phiện…
- Bệnh lý liên quan đến rối loạn di truyền
- Các rối loạn tâm lý như: Căng thẳng kéo dài, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực…
Triệu chứng bệnh thần kinh thực vật có thể xuất hiện ở một hay nhiều cơ quan trong cơ thể. Các biểu hiện trên các hệ cơ quan bao gồm:
- Tim mạch: Nhịp tim nhanh, trống ngực, huyết áp tăng hoặc nhịp tim chậm, huyết áp thấp, chóng mặt, hoa mắt khi thay đổi tư thế do tụt huyết áp. Nhịp tim thay đổi thất thường, khó thích nghi với hoạt động thể lực…Biểu hiện này có thể nhầm với rối loạn thần kinh tim.
- Tiêu hóa: Khô miệng, rối loạn tiêu hóa, nôn, buồn nôn, tiêu chảy hay táo bón, đầy hơi, kích thích đại tiện khi căng thẳng …Những dấu hiệu này dễ nhầm lẫn bệnh lý như trào ngược dạ dày- thực quản, viêm loét dạ dày-tá tràng, viêm đại tràng.
- Tiết niệu: Bí tiểu, tiểu tiện không tự chủ, tiểu nhiều lần, tiểu nhiều về đêm… Có thể được chẩn đoán nhiễm khuẩn tiết niệu, hội chứng bàng quang kích thích.
- Hô hấp: Co thắt cơ trơn phế quản gây ra khó thở, cảm giác nặng ngực, biểu hiện này tăng khi căng thẳng… Có thể được chẩn đoán nhầm sang bệnh hen (bệnh hen thường xuất hiện cơn khó thở điển hình về đêm)
- Khi thay đổi thời tiết thay đổi vận mạch gây đau đầu hoặc đau nửa đầu; chóng mặt; giảm trí nhớ, hay quên… Các triệu chứng này rất dễ nhầm sang bệnh đau nửa đầu, rối loạn vận mạch máu não, rối loạn tuần hoàn não.
- Chức năng bài tiết: Rối loạn tiết mồ hôi, giảm tiết hoặc tăng tiết quá mức, ảnh hưởng tới khả năng điều tiết nhiệt độ cơ thể, thân nhiệt nóng lạnh bất thường.
- Hệ sinh dục: Rối loạn tình dục ở nam giới gây rối loạn chức năng cương dương, xuất tinh sớm, nữ giới gây khô âm đạo, rối loạn kinh nguyệt. Có thể nhầm lẫn với những bệnh do thiếu hụt nội tiết tố gây ra.
- Lông tóc móng: Bệnh có thể gây rụng tóc, da khô, hư móng, co giãn mạch ngoài da…
Phương pháp dự phòng bệnh thần kinh thực vật chủ yếu là thay đổi lối sống:
- Ngủ đủ giấc, tránh thức khuya, có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, không làm việc quá sức gây căng thẳng.
- Hạn chế căng thẳng bằng cách tập ngồi thiền, yoga, đi bộ, thư giãn, tăng cường tham gia các hoạt động ngoài trời.
- Kiểm soát cân nặng hợp lý. Nếu mắc bệnh đái tháo đường cần dùng thuốc, theo dõi thường xuyên nhằm kiểm soát tốt lượng đường huyết.
- Bỏ rượu, thuốc lá và các chất gây nghiện, các chất tác động tâm thần bất hợp pháp.
- Hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn: Vệ sinh cơ thể và khu vực sinh sống thường xuyên, uống đủ nước, ăn uống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp.
- Không nên tự ý sử dụng thuốc khi chưa có khuyến cáo của bác sĩ.
Bệnh thần kinh thực vật dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác nên dẫn đến điều trị không đáp ứng hiệu quả gây cảm giác lo lắng cho người bệnh. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh, nên đến cơ sở y tế uy tín để khám, theo dõi và điều trị đúng bệnh.
Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.
Nguồn: https://www.vinmec.com/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/benh-roi-loan-kinh-thuc-vat-de-chan-doan-nham/