Bệnh sâu răng và bệnh quanh răng ở xã Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội
Nghiên cứu được thực hiện nhằm mô tả tình hình bệnh sâu răng và bệnh quanh răng ở xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sâu răng chiếm 43,9%, mất răng 25,7%, trám răng 11,8%. Cao răng viêm lợi 67,9%, túi quanh răng 28,3%. Bệnh sâu răng ở mức trung bình và tăng theo tuổi. Mất răng ở mức thấp chiếm 25,7%, nhóm > 30 tuổi mất răng nhiều hơn nhóm 15 – 29 tuổi. Tỷ lệ trám răng thấp 11,8% và nhóm 15 – 29 tuổi quan tâm điều trị hơn; tỷ lệ bệnh quanh răng ở mức cao 96,8%.
Ngày nay tại các nước phát triển, bệnh răng miệng, đặc biệt bệnh sâu răng và bệnh quanh răng, đã được kiểm soát và tỷ lệ mắc giảm đáng kể. Tuy nhiên, ở Việt Nam tỷ lệ mắc các bệnh sâu răng và bệnh quanh răng còn tương đối cao không chỉ ở trẻ em mà còn cả ở người lớn. Theo điều tra năm 2001 của Viện Răng Hàm Mặt quốc gia Việt Nam, ở người trưởng thành tuỳ theo lứa tuổi, tỷ lệ mắc bệnh sâu răng từ 75,2 – 89,7%, tỷ lệ mắc bệnh quanh răng là 92,3 – 98,7% [1, 2, 3, 4, 6, 7] và những năm gần đây chăm sóc răng miệng vẫn còn là một vấn đề y tế có tính thời sự của cộng đồng. Bệnh phổ biến ở mọi lứa tuổi kèm theo những biến chứng như viêm lợi, viêm quanh răng gây ảnh hưởng tới sức khoẻ của người bệnh, làm tăng chi phí chăm sóc y tế khi phát hiện và điều trị muộn. Vì vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: “Mô tả tỷ lệ mắc bệnh sâu răng và bệnh quanh răng ở người trưởng thành xã Ngọc Hồi, Thanh trì, Hà Nội” với mục tiêu: Đánh giá thực trạng bệnh sâu răng và bệnh quanh răng ở người trưởng thành xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội, từ đó đề xuất một số khuyến nghị với chính quy ền x ã nh ằm nâng cao sức khoẻ răng miệng cho người dân tại xã.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP
1. Đối tượng
Người dân có độ tuổi từ 15 trở lên thường trú ở xã Ngọc Hồi, Thanh trì, Hà Nội, tình nguyện tham gia chương trình “Khám răng, tư vấn và điều trị miễn phí” do Viện Đào tạo Răng Hàm Mặt tổ chức từ ngày 25 – 29 tháng 1 năm 2010 tại Trung tâm Y tế xã Ngọc Hồi.
– Tiêu chuẩn lựa chọn: Những người tự nguyên tham gia chương trình khám răng, tư vấn và điều trị miễn phí.
– Tiêu chuẩn loại trừ: những người đang bị bệnh răng miệng cấp tính.
2. Phương pháp
– Thiết kế nghiên cứu: Mô tả cắt ngang
+ 187 người tự nguyện, tuổi 15 trở lên.
+ Dụng cụ khám: Gồm gương, gắp, thám châm, sonde quanh răng. Dùng ánh sáng tự nhiên và ánh sáng trắng đủ để phát hiện các tổn thương ở răng và lợi.
– Kỹ thuật khám và tiêu chuẩn đánh giá theo hướng dẫn của WHO [5].
+ Đánh giá tình trạng sâu răng: Dùng thám châm và gương nha khoa thăm các mặt răng. Sâu răng được xác định khi có chấm nâu đen mà thăm mắc châm hoặc hốc ở các mặt răng hoặc còn chân răng do sâu răng biến chứng, các răng sâu đã được trám và các răng nhổ do sâu và biến chứng.
+ Sâu răng được đánh giá theo các mức độ sau:
Răng bình thường: mã số 0 (mã số viết tắt là MS).
Răng sâu: MS1.
Răng đã trám sâu lại: MS2.
Răng đã trám không sâu: MS3.
Răng mất do sâu: MS4.
Răng mất do nguyên nhân khác: MS5.
+ Đánh giá tình trạng quanh răng (QR): Theo chỉ số nhu cầu điều trị quanh răng cộng đồng (CPITN). Dùng sonde thăm quanh răng có đầu tù và chia vạch mm thăm túi lợi phát hiện chảy máu, cao răng trên và dưới lợi và độ sâu túi quanh răng. Ở người bình thường thăm lợi không chảy máu, túi sâu 0,5 – 1mm. Đánh giá mức độ theo các mã số (CPI: Chỉ số quanh răng cộng đồng) sau:
CPI 0: Vùng quanh răng bình thường.
CPI 1: Chảy máu lợi khi thăm.
CPI 2: Thăm thấy cao răng trên hoặc dưới lợi.
CPI 3: Thăm túi quanh răng sâu 4 – 5mm.
CPI 4: Túi quanh răng sâu > 6mm khi thăm.
Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích