Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng
Cùng tìm hiểu về bệnh Viêm loét dạ dày – tá tràng: nguyên nhân gây ra, triệu chứng bệnh, điều trị như thế nào, và đặc biệt làm sao để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm và cực phổ biến này!
Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng là gì ?
Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng (Peptic ulcer) là những tổn thương tạo thành ổ loét ở lớp niêm mạc (lớp trên của dạ dày tá tràng) hoặc có thể xâm lấn sâu hơn xuống lớp dưới niêm mạc. Vị trí ổ loét ở dạ dày hoặc ở hành tá tràng (đoạn đầu của ruột non)
Viêm loét dạ dày xảy ra khi lớp chất nhầy dày bảo vệ dạ dày của bạn khỏi dịch tiêu hóa bị giảm. Điều này cho phép các axit tiêu hóa ăn mòn tại các mô lót dạ dày, gây loét. Tổn thương thường là 1 ổ loét nhưng cũng có thể có đến 2,3 ổ. Đường kính của ổ loét thường dưới 2 cm. Vị trí hay gặp ổ loét nhất là ở bờ cong nhỏ dạ dày, hang vị, môn vị và hành tá tràng
Bệnh viêm loét dạ dày tá tràg có thể điều trị khỏi. Nhưng cần cẩn trọng do bệnh lý này có thể gây biến chứng nặng nề như ung thư dạ dày, thủng dạ dày nếu không điều trị đúng cách.
Dịch tễ bệnh Viêm loét dạ dày tá tràng
Trên thế giới
Trong một tổng quan hệ thống của 31 nghiên cứu đã được công bố, tỷ lệ mắc bệnh viêm loét dạ dày không biến chứng (PUD) là khoảng 1,5 % trong dân số nói chung. Cứ 1400 người thì có 1 người bị biến chứng do viêm loét dạ dày gây ra.
Tại Hoa Kỳ, khoảng bốn triệu người bị viêm loét dạ dày tá tràng và khoảng 350.000 trường hợp mới được chẩn đoán mỗi năm. Số lượng viêm loét tá tràng gấp bốn lần so với viêm loét dạ dày được chẩn đoán. Khoảng 3000 ca tử vong mỗi năm ở Hoa Kỳ là do viêm loét tá tràng và 3000 người liên quan đến bệnh lý này.
Việt Nam
Trong một nghiên cứu tiến hành ở Việt Nam. Trong số các bệnh nhân được kiểm tra, 65,6% bị nhiễm H. pylori. Tỷ lệ nhiễm trùng cao hơn đáng kể ở những người trên 40 tuổi so với những người ở độ tuổi ≤40. Viêm loét dạ dày mãn tính có ở tất cả những người nhiễm H. pylori, 83,1% trong số họ bị viêm dạ dày hoạt động, và 85,3% và 14,7% bị teo và biến chất đường ruột, tương ứng.
Viêm loét dạ dày – PU có mặt ở 21% bệnh nhân mắc bệnh, trong khi đó tỷ lệ mắc bệnh này rất thấp ở những người không nhiễm bệnh. Tỷ lệ nhiễm PU ở Hà Nội cao hơn đáng kể so với Hồ Chí Minh.
Như vậy có thể thấy Loét dạ dày tá tràng là một căn bệnh khá phổ biến có ảnh hưởng nhất định tới nhiều người Việt Nam.
Nguyên nhân gây bệnh viêm loét dạ dày tá tràng
Hiện nay cơ chế bệnh sinh của loét dạ dày tá tràng vẫn chưa thật rõ ràng. Có nhiều yếu tố liên quan đến sự hình thành và phát triển của bệnh. Quá trình hình thành ổ loét là hậu quả của sự mất cân bằng giữa yếu tố tấn công và yếu tổ bảo vệ niêm mạc dạ dày. Nếu có sự tác động làm tăng yếu tố tấn công mà không có sự củng cố yếu tố bảo vệ thì sẽ gây ra loét dạ dày tá tràng
Dưới đây là 1 số nguyên nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng phổ biến
Vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp)
Vi khuẩn Hp là nguyên nhân hàng đầu gây viêm loét dạ dày tá tràng. Chúng thường sống trong lớp nhầy bao phủ và bảo vệ các mô lót dạ dày và ruột non. Thông thường, vi khuẩn H. pylori không gây bệnh, nhưng nó có thể gây viêm lớp bên trong của dạ dày làm giảm lớp nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày. Khi đó sự có mặt của các yếu tố dịch vị dạ dày như acid dịch vị , enzym tiêu hóa sẽ tác động trực tiếp vào tế bào biểu mô niêm mạc và gây loét.
H.pylori tiết ra một men Urease – một loại men thủy phân Ure thành amoniac gây độc cho tế bào niêm mạc dạ dày, đồng thời ngăn cản quá trình tổng hợp chất nhầy trên bề mặt niêm mạc. Hậu quả làm thay đổi sự toàn vẹn của lớp chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày
Không rõ nhiễm trùng H. pylori lây lan như thế nào. Nó có thể được truyền từ người này sang người khác bằng cách tiếp xúc gần gũi, chẳng hạn như hôn. Mọi người cũng có thể nhiễm H. pylori thông qua thực phẩm và nước.
Sử dụng thường xuyên các thuốc giảm đau nhất định.
Thuốc giảm đau kể cả kể đơn và không kê đơn có thể là nguyên nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng ở nhiều người. Nhóm thuốc gây viêm loét dạ dày chủ yếu là các NSAIDs (nhóm thuốc chống viêm không steroid) Đây là thuốc được kê đơn khá thường xuyên đặc biệt là những người lớn tuổi để điều trị các bệnh xương khớp,…
Các thuốc NSAIDs thường gặp như : Aspirin, Ibuprofen , Naproxen natri , Ketoprofen , Diclofenac, Meloxicam….
Các loại thuốc này sẽ ức chế cơ thể giảm tổng hợp ra Prostaglandin một chất có vai trò kích thích sinh ra chất nhầy và yếu tố trung hòa dịch vị làm giảm bảo vệ của niêm mạc dạ dày
Nếu bạn đang bị hoặc có nguy cơ bị đau dạ dày hãy để ý các đơn thuốc của mình và trình bày rõ hơn với bác sĩ để được tư vấn
Các loại thuốc khác
Ngoài ra khi sử dụng một số loại thuốc khác cùng với NSAIDs, ví dụ như steroid, thuốc chống đông máu, aspirin liều thấp, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs), Alendronate (Fosamax) và risedronate, có thể làm cho bạn tăng đáng kể khả năng phát triển bệnh viêm loét dạ dày tá tràng.
Yếu tố nguy cơ của bệnh viêm loét dạ dày tá tràng
Ngoài ra các yếu tố sau góp phần không nhỏ trong việc tăng nguy cơ bạn bị viêm loét dạ dày tá tràng
Yếu tố tinh thần
Khi căng thẳng thần kinh kéo dài sẽ khiến cơ thể bạn tăng tiết acid dạ dày gây loét, vết loét lại đưa tín hiệu kích thích thần kinh và vỏ não sẽ lại kích thích dạ dày theo cơ chế phản hồi điều này tạo thành vòng lặp cực kì có hại cho dạ dày của bạn. Đây là yếu tố đáng quan ngại đối với đối tượng người trưởng thành ngày nay phải đối mặt với cuộc sống nhiều áp lực nếu không biết điều tiết trung hòa cuộc sống sẽ gây ảnh hưởng cho sức khỏe.
Hút thuốc lá
Hút thuốc lá cũng như hít phải hơi khói thuốc làm ức chế quá trình tổng hợp chất kích thích sinh chất nhầy và chất trung hòa dịch vị
Thức ăn, đồ uống hại dạ dày
Các chất kích thích như rượu bia, đồ ăn cay nóng hoặc quá lạnh hoặc vận động mạnh ngay sau ăn sẽ thúc đẩy những tác động có hại lên niêm mạc dạ dày làm những vết loét nặng lên
Yếu tố di truyền
Bệnh nhân loét dạ dày tá tràng thường có những người liên quan ruột thịt bị bệnh này. Những người có nhóm máu O có tỷ lệ loét dạ dày tá tràng cao hơn những nhóm máu khác 1,4 lần
Triệu chứng của bệnh loét dạ dày tá tràng
Những triệu chứng điển hình
- Đau bụng vùng thượng vị là triệu chứng viêm loét dạ dày chính nhất.
- Đau âm ỉ hoặc bỏng rát, đau quặn
- Đau có tính chất chu kỳ trong ngày hoặc trong năm: đau khi đói, đau sau khi ăn vài giờ, vài tuần lại đau hoặc vài tháng lại đau,…
- Càng về sau bệnh mất dần tính chu kỳ và số đợt đau tăng dần thành liên tục
- Bệnh nhân ợ chua, ợ hơi, đầy bụng
- Có thể nôn ra máu hoặc đi ngoài ra máu là khi bệnh đã bước sang giai đoạn có các biến chứng nặng hơn.
Trường hợp không điển hình
Gần ba phần tư số người bị loét dạ dày không có triệu chứng hoặc triệu chứng không điển hình. Người bệnh tiến triển im lặng sau đó đột ngột biểu hiện biến chứng (chảy máu tiêu hóa, thủng vết loét )
Trường hợp này thường gặp ở trẻ em, người già và người suy kiệt
Biến chứng do viêm loét dạ dày tá tràng
- Chảy máu tiêu hóa : Biểu hiện nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc kết hợp cả hai. Nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn tới tử vong
- Thủng dạ dày: Cơn đau bụng dữ dội và co cứng thành bụng
- Hẹp môn vị : Bệnh nhân ăn không tiêu, đầy chướng bụng, nôn nhiều
- Ung thử dạ dày từ ổ loét
- 5.Xét nghiệm và kiểm tra loét dạ dày tá tràng
Các phương pháp chẩn đoán viêm loét dạ dày tá tràng
Nội soi dạ dày tá tràng
Bằng ống soi mềm các bác sĩ có thể nhìn thấy ổ loét, đánh giá kích thước, vị trí ổ loét và những tổn thương khác kèm theo để đưa ra các quyết định phù hợp. Đồng thời có thể sinh thiết ổ loét để tiến hành xét nghiệm.
Qua nội soi còn có thể cầm máu ổ loét
Chụp X quang dạ dày
Nếu bạn không gặp khó khăn trong việc nuốt và có nguy cơ mắc ung thư dạ dày thấp. Trước khi được chụp X quang dạ dày , bạn sẽ phải uống một chất lỏng gọi là barium ( barium nuốt ). Sau đó, một kỹ thuật viên sẽ chụp X-quang dạ dày , thực quản và ruột non của bạn. Chất lỏng bạn uống sẽ giúp bác sĩ có thể xem và chẩn đoán vết loét trên hình ảnh X quang .
Xét nghiệm tìm H.pylori
Xét nghiệm xâm lấn: qua nội soi sinh thiết niêm mạc vùng rìa hoặc ngoài ổ loét
Xét nghiệm không xâm lấn: Test thở urea, định lượng kháng nguyên trong phân, miễn dịch huyết thanh,…
Khi nào bạn nên đi khám bác sĩ
Gặp bác sĩ nếu bạn có các dấu hiệu hoặc triệu chứng nghiêm trọng được liệt kê ở trên. Cũng đi khám bác sĩ nếu thuốc kháng axit không kê đơn và thuốc trung hòa axit làm giảm cơn đau của bạn nhưng cơn đau quay trở lại.
Điều trị viêm loét dạ dày tá tràng
Điều trị viêm loét dạ dày tá tràng chủ yếu phụ thuộc vào nguyên nhân gây loét.
Thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt
- Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, nhai kĩ
- Khi đau nên ăn nhẹ, ăn thức ăn mềm lỏng, uống nhiều nước
- Không nên ăn các thức ăn dễ gây kích thích như quá cay, quá nóng hay quá lạnh
- Không hút thuốc lá và tránh uống rượu bia
Sử dụng các thuốc điều trị viêm loét dạ dày tá tràng
1 số nhóm thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị viêm loét dạ dày tá tràng hiện nay gồm
- Thuốc trung hòa acid dịch vị : các hydroxyd , muối của magnesi hoặc nhôm…
- Thuốc chống bài tiết HCl : Cemetidin, Ranitidin,…Omeprazol, Lansoprazol,…
- Thuốc bảo vệ niêm mạc và ổ loét : Alumin sacharose sulfat, Vitamin B1,B6,PP , Misoprostol,…
- Thuốc tác động lên thần kinh : Diazepam, Atropin
- Thuốc tiêu diệt H.Pylori : Kháng sinh, TDB, Metronidazol, Tinidazol
Một số phác đồ diệt H.pylori thường dùng hiện nay :
- Phác đồ bộ 1 : Omeprazol + Amoxicilin + Clarithromycin ; Omeprazol + Clarithromycin + Metronidazol
- Phác đồ bộ 2 : Omeprazol + Hợp chất bismuth + Tetracyclin + Metronidazol ; Omeprazol + Hợp chất bismuth + Tetracyclin + Amoxicillin . Điều trị tấn công 1-2 tuần và điều trị duy trì 4-6 tuần
Phòng ngừa bệnh viêm loét dạ dày tá tràng
Bạn có thể giảm nguy cơ viêm loét dạ dày tà tràng bằng cách tuân theo các khuyến nghị khắc phục tại nhà như sau
Tránh khỏi các nguy cơ lây nhiễm H.Pylori
Hiện nay việc H. pylori lây lan như thế nào chưa được chắc chắn, nhưng có một số bằng chứng cho thấy chúng có thể truyền từ người sang người hoặc qua thực phẩm và nước.
Bạn có thể thực hiện các bước đơn giản để bảo vệ bản thân khỏi bị nhiễm trùng đặc biệt khỏi H. pylori, bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước, luôn ăn thực phẩm đã được nấu chín hoàn toàn.
Hãy thận trọng với thuốc giảm đau.
Nếu đơn thuốc của bạn có thuốc giảm đau và bạn phải uống chúng thường xuyên làm tăng nguy cơ loét dạ dày, hãy thực hiện các cách để giảm nguy cơ mắc các vấn đề về dạ dày. Ví dụ như, hãy dùng thuốc của bạn ngay trước hoặc ngay sau bữa ăn. Sử dụng thuốc bao dạ dày cũng là biện pháp phổ biến bác sỹ đang sử dụng cho các bệnh nhân dùng giảm đau dài ngày.,
Nói chuyện với bác sĩ của bạn để tìm ra liều thấp nhất có thể mà vẫn giúp bạn giảm đau. Tránh uống rượu bia khi dùng thuốc, vì cả hai có thể kết hợp để tăng nguy cơ đau dạ dày.
Nếu bạn cần sử dụng một NSAIDs, bạn cũng có thể cần dùng thêm các loại thuốc bảo vệ dạ dày của bạn như thuốc kháng axit, PPI, thuốc làm giảm tiết acid. Một nhóm NSAIDs được gọi là chất ức chế chọn lọc COX-2 có thể ít gây ra loét dạ dày, nhưng hãy cân nhắc vì chúng có thể làm tăng nguy cơ đau tim.
Chế độ ăn uống lành mạnh
Trước đây, người ta cho rằng chế độ ăn uống có thể gây loét. Điều này có thể không hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, chế độ ăn uống không lành mạnh làm gia tăng nguy cơ viêm loét dạ dày tá tràng. Một chế độ ăn uống lành mạnh cũng có lợi cho đường ruột và sức khỏe tổng thể của bạn.
Một chế độ ăn nhiều chất xơ, hoa quả dường như có lợi hơn cho sức khoẻ nói chung và bệnh lý viêm loét dạ dày nói riêng.
Đáng chú ý, có một số thực phẩm đóng vai trò trong việc loại bỏ H. pylori. Các loại thực phẩm có thể giúp chống lại H. pylori hoặc giúp tăng cường hệ vi khuẩn lành mạnh của cơ thể bao gồm:
- Bông cải xanh, súp lơ, bắp cải và củ cải
- Dầu ô liu
- Thực phẩm giàu chế phẩm sinh học, chẳng hạn như dưa cải bắp, miso, kombucha, sữa chua (đặc biệt là với lactobacillus và Sacharomyces )
- Rau lá xanh, như rau bina và cải xoăn
- Táo
- Quả việt quất, quả mâm xôi, dâu tây và quả mâm xôi
Các biện pháp khắc phục tại nhà cho loét dạ dày
Ngoài việc ăn thực phẩm lành mạnh, các chất bổ sung sau đây có thể giúp bạn làm giảm tác dụng của vi khuẩn H. pylori. Tuy nhiên, những chất bổ sung này không thể giúp bạn thay thế thuốc theo toa hoặc kế hoạch điều trị hiện tại của bạn. Chúng bao gồm:
- Men vi sinh
- Glutamine (nguồn thực phẩm bao gồm thịt gà, cá, trứng, rau bina và bắp cải)
- Mật ong
Hãy hỏi bác sĩ của bạn để có thể có những gợi ý về những việc bạn có thể làm ở nhà để giảm bớt sự khó chịu từ vết loét của bạn
Kết luận:
Viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh lý phổ biến, có thể do nhiều nguyên nhân và nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh. Trong đó, Vi khuẩn Hp là nguyên nhân gây bệnh phổ biến nhất. Sau đó là các thuốc giảm đau chống viêm không Steroid (NSAIDs)
Hiện nay các phác đồ điều trị bệnh đều sử dụng kháng sinh diệt Hp.
Ngoài dùng thuốc, bệnh nhân nên thay đổi lối sống khoa học, ăn uống lành mạnh, vận động để phòng ngừa viêm loét dạ dày tá tràng.
Theo Benh.vn