BIỂU HIỆN DẤU ẤN SINH HỌC Ki-67 BẰNG PHƯƠNG PHÁP NHUỘM HÓA MÔ MIỄN DỊCH TRÊN BỆNH NHÂN ĐƯỢC PHẪU THUẬT CẮT TUYẾN TIỀN LIỆT TẬN GỐC TẠI BỆNH VIỆN BÌNH DÂN
BIỂU HIỆN DẤU ẤN SINH HỌC Ki-67 BẰNG PHƯƠNG PHÁP NHUỘM HÓA MÔ MIỄN DỊCH TRÊN BỆNH NHÂN ĐƯỢC PHẪU THUẬT CẮT TUYẾN TIỀN LIỆT TẬN GỐC TẠI BỆNH VIỆN BÌNH DÂN
Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng1, Trần Đỗ Hữu Toàn2, Trần Ngọc Khắc Linh2, Trang Võ Anh Vinh1, Nguyễn Ngọc Minh Tâm1
TÓM TẮT :
Đặt vấn đề: Hiện nay, việc theo dõi và tiên lượng ung thư tuyến tiền liệt tái phát sau điều trị vẫn là vấn đề còn nhiều tranh cãi, không thể chỉ dựa vào một yếu tố mà cần nhiều yếu tố để làm tăng độ chính xác. Protein Ki-67, với đặc điểm tăng biểu hiện trong nhân tế bào giai đoạn phân chia, đã được chứng minh là dấu ấn sinh học của sự tăng sinh tế bào và có giá trị tiên lượng trong nhiều loại ung thư khác nhau, bao gồm ung thư tuyến tiền liệt.
Mục tiêu: Đánh giá biểu hiện dấu ấn sinh học Ki-67 bằng phương pháp nhuộm hóa mô miễn dịch trên bệnh nhân được phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt tận gốc
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu tiến cứu mô tả hàng loạt trường hợp các bệnh nhân được phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt tận gốc tại bệnh viện Bình Dân đồng ý thực hiện xét nghiệm từ 01/06/2019 đến 30/06/2020. Các biến số được ghi nhận gồm nồng độ PSA huyết thanh, điểm số Gleason, giai đoạn TNM, mức độ biểu hiện dấu ấn sinh học Ki-67 đánh giá bằng xét nghiệm hóa mô miễn dịch.
Kết quả: Cỡ mẫu nghiên cứu là 44 trường hợp. Tuổi trung bình là 68,7 ± 7,5. Điểm số Gleason sau phẫu thuật thuộc nhóm Gleason 2 – 6 chiếm 15,9%; nhóm Gleason 7 chiếm 52,3%; nhóm Gleason 8 – 10 chiếm 31,8%. Tỉ lệ bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ thấp là 4,5%; nguy cơ trung bình là 13,6%; nguy cơ cao là 81,8%. Mức độ biểu hiện dấu ấn Ki-67 là: 4,75% ± 2,81%. Nồng độ PSA huyết thanh và mức độ biểu hiện dấu ấn Ki-67 có mối tương quan thuận, hệ số tương quan R=0,49 (p=0,001). Mức độ biểu hiện dấu ấn Ki-67 trung bình trên nhóm điểm Gleason 2 – 6 là 2,2%; điểm Gleason 7 là 4,5%; điểm Gleason 8 – 10 là 6,4%. Mức độ biểu hiện dấu ấn Ki-67 tăng 1% thì nguy cơ di căn hạch tăng 43,7% (OR=1,437; 95% CI=(1,038 – 1,989); p=0,029). Có sự tăng mức độ biểu hiện dấu ấn Ki-67 trên nhóm bệnh nhân nguy cơ cao là 5,2% so với nhóm bệnh nhân nguy cơ thấp 2,6% (p=0,015):
Kết luận: Dấu ấn sinh học Ki-67 có thể sử dụng là một yếu tố tiên lượng cho tình trạng di căn hạch cho bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt; tiên lượng cho nguy cơ tái phát sinh hóa sau phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt tận gốc.
Ung thư tuyến tiền liệt (TTL) là vấn đề sức khỏe thường gặp ở nam giới(1). Việc quyết định chiến lược điều trị ung thư tuyến tiền liệt hiện nay dựa trên phân nhóm nguy cơ không được tối ưu do ung thư thường diễn tiến không đồng nhất; các yếu tố như điểm số Gleason, nồng độ PSA huyết thanh dần bộc lộ những khuyết điểm. Việc nghiên cứu các dấu ấn sinh học như Ki-67, PTEN, p53, ERG, … là một xu hướng của các trung tâm trên thế giới với mục tiêu theo dõi, điều trị, và tiên lượng hiệu quả hơn cho bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt
https://thuvieny.com/bieu-hien-dau-an-sinh-hoc-ki-67-bang-phuong-phap-nhuom-hoa-mo-mien-dich/