Biểu hiện lâm sàng, hình ảnh nội soi, đặc điểm trên kĩ thuật đo áp lực và nhu động thực quản độ phân giải cao ở bệnh nhân co thắt đoạn xa thực quản
Biểu hiện lâm sàng, hình ảnh nội soi, đặc điểm trên kĩ thuật đo áp lực và nhu động thực quản độ phân giải cao ở bệnh nhân co thắt đoạn xa thực quản
Đào Việt Hằng, Lưu Thị Minh Huế
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Nghiên cứu hồi cứu được tiến hành nhằm mô tả đặc điểm lâm sàng, hình ảnh nội soi và áp lực, nhu động thực quản trên bệnh nhân được chẩn đoán co thắt đoạn xa thực quản bằng đo áp lực và nhu động thực quản độ phân giải cao. Kết quả có 75 trong 7519 bệnh nhân được chẩn đoán co thắt đoạn xa thực quản trên đo áp lực và nhu động thực quản độ phân giải cao từ 3/2018 đến 8/2020 tại Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật. Nhóm nghiên cứu gồm 62,7% nữ, tuổi trung bình là 47,8 năm. Triệu chứng nuốt nghẹn và đau ngực gặp ở lần lượt 41,3% và 30,7%. Các triệu chứng phổ biến khác bao gồm cảm giác trào ngược (72,0%), ợ hơi (56,0%), nóng rát sau xương ức (49,3%). 46,8% bệnh nhân có tổn thương viêm thực quản trên nội soi. Trên đo áp lực và nhu động thực quản độ phân giải cao, trung vị tỉ lệ nhịp nuốt đến sớm là 30%. Nhóm bệnh nhân có nuốt nghẹn và/hoặc đau ngực có áp lực tích hợp khi nghỉ của cơ thắt thực quản dưới trong vòng 4 giây (IRP4s) cao hơn so với nhóm không có hai triệu chứng trên. Tỉ lệ nhịp nuốt đến sớm không có mối liên quan tới biểu hiện nuốt nghẹn, đau ngực trên lâm sàng.
Co thắt đoạn xa thực quản (Distal esophageal spasm – DES) là một rối loạn nhu động thực quản hiếm gặp do hoạt động co bóp tự phát của cơ trơn thực quản. Rối loạn lần đầu tiên được mô tả lâm sàng vào năm 1889 trên 6 bệnh nhân có các triệu chứng nuốt khó kèm đau ngực.1 Nguyên nhân dẫn đến DES hiện còn chưa rõ ràng, tuy nhiên có mối liên quan với một số tình trạng như trào ngược dạ dày thực quản, một số rối loạn tâm thần hoặc sử dụng một số loại thuốc như thuốc phiện. Về cơ chế bệnh sinh, co thắt tự phát ở thực quản xuất hiện do sự bất thường của hệ thần kinh ức chế ở đám rối thần kinh ruột. Bình thường, sóng nhu động thực quản hình thành từ hoạt động co bóp tuần tự của cơ trơn thực quản do tồn tại một chênh lệch về lực co bóp tăng dần dọc theo lòng thực quản từ đoạn gần về phía đoạn xa. Sự mất cân bằng do tác động của một số yếu tố thần kinh có thể dẫn đến tình trạng co bóp tự phát ở đoạn xa thực quản, đặc trưng bởi sự giảm độ trễ của co bóp (contractile latency).2,3 Về dịch tễ, tỉ lệ DES chiếm khoảng 4 – 10% trong các bệnh nhân được tiến hành đo nhu động thực quản,4-6 và ở khoảng 13% trẻ có triệu chứng nuốt nghẹn kèm hoặc không kèm đau ngực.7 Biểu hiện lâm sàng của DES đa dạng, với hai triệu chứng thường gặp nhất là nuốt khó và đau ngực, tuy nhiên chúng lại không đặc hiệu, và cũng thường gặp ở các rối loạn khác của thực quản.
Nguồn: https://luanvanyhoc.com