Bisoplus HCT: thuốc chẹn beta chọn lọc và thiazid
Bisoplus HCT là chế phẩm kết hợp của bisoprolol fumarate và hydrochlorothiazide trong điều trị tăng huyết áp, hydrochlorothiazide làm tăng đáng kể tác động chống tăng huyết áp của bisoprolol fumarate.
Nhà sản xuất
Stellapharm J.V.
Thành phần
Mỗi viên: Bisoprolol fumarate 5mg, hydrochlorothiazide 12.5mg.
Mô tả
Viên nén tròn, bao phim màu đỏ, hai mặt khum khắc vạch, một mặt khắc “B-H” và “5-12”.
Dược lực học
Nhóm dược lý: Thuốc chẹn beta chọn lọc và thiazid.
Mã ATC: C07BB07.
Bisoplus HCT 5/12.5 là chế phẩm kết hợp của bisoprolol fumarate và hydrochlorothiazide trong điều trị tăng huyết áp. Hiệu quả điều trị tăng huyết áp của các thuốc được cộng lực, hydrochlorothiazide làm tăng đáng kể tác động chống tăng huyết áp của bisoprolol fumarate.
Bisoprolol là một thuốc ức chế chọn lọc thụ thể beta 1-adrenergic không có hoạt tính ổn định màng đáng kể hay hoạt tính cường giao cảm nội tại trong khoảng liều trị liệu. Ở liều thấp, bisoprolol ức chế một cách chọn lọc đáp ứng với kích thích adrenergic bằng cách ức chế cạnh tranh thụ thể beta 1-adrenergic ở tim, trong khi đó ít tác động lên thụ thể beta 2-adrenergic ở cơ trơn phế quản và mạch máu.
Ở liều cao, sự chọn lọc của bisoprolol trên thụ thể beta 1-adrenergic thường giảm và sẽ ức chế cạnh tranh thụ thể beta 1 và beta 2-adrenergic.
Hydrochlorothiazide là thuốc lợi tiểu nhóm benzothiadiazin. Các thiazid tác động trên cơ chế tái hấp thu chất điện giải của ống thận và tăng bài tiết natri và clorid với lượng tương đương. Sự bài tiết natri trong nước tiểu làm mất kali thứ phát.
Dược động học
Bisoprolol fumarate
Bisoprolol được hấp thu hầu như hoàn toàn qua đường tiêu hóa và sinh khả dụng đường uống khoảng 90% do thuốc chuyển hóa qua gan lần đầu rất ít. Nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được sau khi uống từ 2-4 giờ. Khoảng 30% bisoprolol liên kết với protein huyết tương. Thuốc có thời gian bán thải trong huyết tương khoảng 10-12 giờ. Bisoprolol tan vừa phải trong lipid. Thuốc được chuyển hóa ở gan và được thải trừ qua nước tiểu, khoảng 50% thuốc dưới dạng nguyên vẹn và 50% dưới dạng chất chuyển hóa.
Hydrochlorothiazide
Hydrochlorothiazide được hấp thu khá nhanh qua đường tiêu hóa. Thuốc có sinh khả dụng khoảng 65-70%. Thời gian bán thải trong huyết tương khoảng 5-15 giờ và ưu tiên gắn kết vào hồng cầu. Thuốc được thải trừ chủ yếu qua nước tiểu dưới dạng không đổi. Hydrochlorothiazide qua được hàng rào nhau thai và được bài tiết vào sữa mẹ.
Chỉ định và công dụng
Điều trị tăng huyết áp khi sử dụng riêng lẻ bisoprolol fumarate và hydrochlorothiazide không kiểm soát được tốt.
Liều lượng và cách dùng
Cách dùng
Bisoplus HCT 5/12.5 được dùng đường uống. Thuốc được uống với một ly nước vào buổi sáng.
Liều dùng
Khi phải dùng liệu pháp kết hợp trong kiểm soát tăng huyết áp, đầu tiên liều dùng được điều chỉnh bằng cách dùng riêng rẽ từng thuốc. Nếu xác định được liều duy trì mục tiêu tương ứng với tỷ lệ trong chế phẩm kết hợp, thì có thể dùng sự kết hợp đã được thiết lập.
Người lớn: Liều thường dùng là 1 viên/ngày. Khi cần thiết, liều có thể được tăng lên 2 viên/ngày.
Bệnh nhân suy thận hoặc suy gan: Nên giảm liều.
Trẻ em: Không được khuyến cáo dùng thuốc do chưa có nghiên cứu trên trẻ em.
Cảnh báo
Bisoprolol fumarate
Mặc dù các thuốc chẹn beta được dùng trong điều trị suy tim, nhưng không được dùng cho bệnh nhân suy tim không kiểm soát và khi bắt đầu điều trị cần sự cẩn thận cao, nên khởi đầu liều thấp và hiệu chỉnh tăng liều một cách thận trọng.
Dùng thận trọng trên bệnh nhân có khoảng dẫn truyền PR kéo dài, dự trữ tim thấp và bệnh tuần hoàn ngoại vi như hiện tượng Raynaud.
Dùng thận trọng bisoprolol trong bệnh co thắt phế quản (hen phế quản, bệnh đường thở tắc nghẽn). Trên một số bệnh nhân hen suyễn, có thể xảy ra sự tăng kháng đường thở và điều này được xem là dấu hiệu để ngừng điều trị. Co thắt phế quản thường có thể bị đảo ngược do dùng thường xuyên các thuốc giãn phế quản như salbutamol.
Bisoprolol không làm suy giảm sự chuyển hóa carbohydrat nhưng che lấp triệu chứng hạ đường huyết trên bệnh nhân đái tháo đường.
Các thuốc chẹn beta có thể che lấp các triệu chứng của tăng năng tuyến giáp trên bệnh nhân nhiễm độc tuyến giáp.
Ngừng điều trị đột ngột bisoprolol có thể gây đau thắt ngực nặng lên và/hoặc nhồi máu cơ tim và loạn nhịp thất ở người bệnh động mạch vành, hoặc có thể gây cơn bão giáp trên bệnh nhân tăng năng tuyến giáp. Do đó, cần phải nhắc nhở những người bệnh đang dùng bisoprolol (đặc biệt người bệnh tim thiếu máu cục bộ) là không được ngừng thuốc khi chưa hỏi ý kiến của bác sĩ. Vì bệnh động mạch vành phổ biến và có thể không được chẩn đoán, nên tránh ngừng thuốc đột ngột trên bệnh nhân đang dùng bisoprolol để điều trị bệnh khác (như tăng huyết áp). Khi ngừng bisoprolol trên người bị bệnh động mạch vành hoặc nghi ngờ tăng năng tuyến giáp thì người bệnh nên được theo dõi cẩn thận và được khuyên hạn chế hoạt động thể lực tạm thời. Nếu xảy ra đau thắt ngực nặng hoặc suy động mạch vành cấp tiến triển sau khi ngừng điều trị đột ngột bisoprolol, thì nên dùng lại ít nhất một thời gian.
Hydrochlorothiazide
Tất cả các thiazid nên được dùng thận trọng trên bệnh nhân đang rối loạn nước và điện giải hoặc người có nguy cơ thay đổi sự cân bằng nước và điện giải, như người lớn tuổi.
Bệnh nhân xơ gan có nhiều khả năng tiến triển hạ kali huyết. Hạ natri huyết có thể xảy ra trên bệnh nhân suy tim nặng bị phù, đặc biệt bệnh nhân dùng liều cao các thiazid và hạn chế ăn muối. Nên theo dõi bệnh nhân cẩn thận về các dấu hiệu mất cân bằng nước và điện giải, đặc biệt khi có nôn ói hay trong khi dùng dung dịch ngoài đường tiêu hóa. Bệnh nhân suy chức năng gan hoặc bệnh gan tiến triển dễ bị hôn mê gan.
Thuốc lợi tiểu nên được dùng thận trọng cho bệnh suy thận vì thuốc có thể giảm chức năng thận hơn. Hầu hết các thuốc thiazid không có hiệu quả trên bệnh nhân có độ thanh thải creatinin < 30 mL/phút.
Các thiazid có thể thúc đẩy cơn gút trên bệnh nhân nhạy cảm.
Thuốc làm tăng glucose huyết và làm nặng thêm hoặc bộc lộ bệnh đái tháo đường. Nên điều chỉnh các thuốc điều trị đái tháo đường gồm có insulin.
Các thiazid làm giảm bài tiết calci qua đường tiểu, đôi khi dẫn đến tăng calci huyết nhẹ; thuốc không được dùng cho bệnh nhân đã từng bị tăng calci huyết. Có khả năng thiazid làm nặng thêm hoặc hoạt hóa bệnh lupus ban đỏ hệ thống trên bệnh nhân nhạy cảm. Thiazid có thể làm tăng nguy cơ phát triển sỏi mật.
Thuốc lợi tiểu thiazid làm tăng nồng độ cholesterol và triglycerid.
Ảnh hưởng của thuốc lên khả năng lái xe, vận hành máy móc
Bisoprolol có thể gây tác dụng phụ như buồn ngủ, chóng mặt và mệt mỏi, điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe hoặc vận hành máy móc.
Quá liều
Triệu chứng
Một số trường hợp quá liều với bisoprolol fumarate được báo cáo (tối đa: 2000 mg).
Các dấu hiệu thường gặp khi quá liều một thuốc chẹn beta là tim đập chậm và hạ huyết áp. Trạng thái ngủ lịm cũng phổ biến, khi quá liều nặng, xảy ra mê sảng, hôn mê, co giật và nghẹt thở. Suy tim sung huyết, co thắt khí quản và hạ đường huyết có thể xảy ra, cụ thể trên bệnh nhân với bệnh cảnh cơ bản. Với các thuốc lợi tiểu thiazid, hiếm ngộ độc cấp tính. Đặc điểm nổi bật nhất của quá liều là mất nước và các chất điện giải cấp tính. Dấu hiệu và triệu chứng quá liều gồm tim mạch (nhịp tim nhanh, hạ huyết áp, sốc), cơ thần kinh (yếu cơ, nhầm lẫn, chóng mặt, co cứng cơ bắp chân, dị cảm, mệt mỏi, giảm nhận thức), tiêu hóa (buồn nôn, nôn, khát), thận (đa niệu, thiểu niệu hoặc vô niệu [do máu đặc]) và kết quả xét nghiệm (hạ kali huyết, hạ natri huyết, hạ clo huyết, nhiễm kiềm, tăng BUN [đặc biệt trên bệnh nhân suy thận]).
Điều trị
Chưa có thuốc giải độc đặc hiệu, nên điều trị triệu chứng và hỗ trợ.
Dữ liệu giới hạn cho rằng bisoprolol fumarate không được thẩm tách; do đó, không chỉ định thẩm tách hydrochlorothiazide. Biện pháp chung được đề nghị gồm gây nôn và/hoặc rửa dạ dày, dùng than hoạt, hỗ trợ hô hấp, điều chỉnh sự mất cân bằng nước và các chất điện giải và điều trị chứng co giật. Dựa trên tác động dược lý có thể xảy ra và khuyến cáo với những thuốc chẹn beta khác và hydrochlorothiazide, các biện pháp sau được xem xét khi đã có dấu hiệu lâm sàng:
Nhịp tim chậm: Tiêm atropin tĩnh mạch. Nếu không có đáp ứng, có thể dùng thận trọng isoproterenol hay thuốc có tính chất điều nhịp dương tính. Trong vài trường hợp, có thể cần đặt máy điều hòa nhịp tim qua đường tĩnh mạch.
Hạ huyết áp, sốc: Nâng cao chân bệnh nhân. Truyền dịch và bổ sung chất điện giải bị mất (kali, natri). Tiêm tĩnh mạch glucagon có thể có ích. Nên xem xét đến thuốc vận mạch.
Blốc tim (độ 2 hoặc độ 3): Nên theo dõi bệnh nhân cẩn thận và điều trị bằng tiêm truyền isoproterenol, đặt máy điều hòa nhịp tim khi cần thiết.
Suy tim sung huyết: Khởi đầu liệu pháp thường qui (như digitalis, thuốc lợi tiểu, thuốc giãn mạch, thuốc hướng cơ).
Co thắt phế quản: Dùng các thuốc giãn khí quản như isoproterenol và/hoặc aminophyllin.
Hạ glucose huyết: Tiêm glucose tĩnh mạch.
Theo dõi: Cân bằng nước và điện giải (đặc biệt là kali huyết thanh) và chức năng thận cho đến khi bình thường.
Chống chỉ định
Bệnh nhân suy tim chưa được điều trị hoặc suy tim mất bù, sốc tim, blốc xoang nhĩ, blốc nhĩ thất độ 2 hoặc 3, nhịp tim chậm rõ rệt (nhịp tim < 60 nhịp/phút), nhồi máu cơ tim cấp, hen suyễn nặng, suy thận hoặc suy gan nặng, bệnh Addison.
Bệnh nhân quá mẫn với bisoprolol hoặc thiazid hoặc sulphonamid hay với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
Sử dụng ở phụ nữ có thai và cho con bú
Phụ nữ có thai
Các thiazid qua được hàng rào nhau thai và xuất hiện trong máu của dây rốn. Việc dùng thiazid cho phụ nữ có thai yêu cầu cân nhắc lợi ích biết trước với những nguy hại có thể xảy ra cho thai nhi. Những nguy hại này bao gồm tử vong hoặc vàng da sơ sinh, viêm tụy, chứng giảm tiểu cầu và khả năng tác dụng phụ khác đã xảy ra trên người lớn.
Chưa có nghiên cứu đầy đủ và kiểm soát chặt chẽ với bisoprolol fumarate và hydrochlorothiazide trên phụ nữ có thai. Bisoprolol fumarate và hydrochlorothiazide dùng trong thời kỳ mang thai chỉ khi lợi ích tiềm năng cao hơn nguy cơ có hại cho thai nhi.
Phụ nữ cho con bú
Chưa có thử nghiệm dùng bisoprolol fumarate riêng rẽ hay kết hợp với hydrochlorothiazide trên người mẹ đang cho con bú. Các thiazid được bài tiết qua sữa mẹ. Một lượng nhỏ bisoprolol fumarate (< 2% liều dùng) được phát hiện trong sữa của chuột đang tiết sữa. Do khả năng về phản ứng có hại nghiêm trọng cho trẻ đang bú sữa mẹ, nên có quyết định ngưng cho con bú hay ngưng dùng thuốc và cân nhắc tầm quan trọng của thuốc đối với người mẹ.
Tương tác
Bisoprolol fumarate
Dùng đồng thời rifampin làm tăng thanh thải chất chuyển hóa của bisoprolol fumarate, rút ngắn thời gian bán thải. Tuy nhiên, điều chỉnh liều khởi đầu thường không cần thiết.
Trong khi sử dụng các thuốc chẹn beta, bệnh nhân có tiền sử phản ứng phản vệ nghiêm trọng với các dị ứng nguyên khác nhau có thể phản ứng mạnh với việc sử dụng thuốc nhắc lại, do tình cờ, do chẩn đoán hoặc do điều trị. Những bệnh nhân này có thể không đáp ứng với liều thông thường của epinephrin đã từng điều trị phản ứng dị ứng.
Hydrochlorothiazide
Alcol, các barbiturat, hoặc narcotic: Có thể xảy ra khả năng hạ huyết áp thế đứng.
Thuốc trị đái tháo đường (thuốc đường uống hoặc insulin): Có thể cần thiết điều chỉnh liều của các thuốc trị đái tháo đường.
Các thuốc trị tăng huyết áp khác: Tác động cộng lực.
Cholestyramin và các colestipol resin: Sự hấp thu của hydrochlorothiazide bị giảm khi có mặt các resin trao đổi anion. Liều đơn của cholestyramin và colestipol resin gắn kết hydrochlorothiazide và giảm sự hấp thu của thuốc ở đường tiêu hóa tương ứng lên đến 85% và 43%.
Các corticosteroid, ACTH: Làm nặng thêm tình trạng cạn chất điện giải, cụ thể hạ kali huyết.
Các amin vận mạch (norepinephrin): Có khả năng giảm đáp ứng với các amin vận mạch nhưng không đủ để loại trừ việc sử dụng.
Thuốc giãn cơ xương, không khử cực (tubocurarin): Có khả năng tăng đáp ứng với thuốc giãn cơ.
Lithi: Thường không được dùng đồng thời với thuốc lợi tiểu. Các thuốc lợi tiểu giảm độ thanh thải thận của lithi và tăng nguy cơ cao về ngộ độc lithi.
Các thuốc kháng viêm nonsteroid: Trên vài bệnh nhân, việc dùng các thuốc kháng viêm nonsteroid làm giảm tác động lợi tiểu, natri niệu và hiệu quả chống tăng huyết áp của thuốc lợi tiểu quai, thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali, thuốc lợi tiểu thiazid. Vì vậy, khi dùng đồng thời chế phẩm này với thuốc kháng viêm nonsteroid, bệnh nhân nên được theo dõi chặt chẽ để xác định có đạt được tác động lợi tiểu mong muốn không.
Tương kỵ
Do không có các nghiên cứu về tính tương kỵ của thuốc, không trộn lẫn thuốc này với các thuốc khác.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Bisoprolol fumarate
Hệ thần kinh trung ương: Hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, dị cảm, giảm xúc giác, ngủ gà, lo âu/bồn chồn, giảm tập trung/trí nhớ.
Hệ thần kinh tự chủ: Khô miệng.
Tim mạch: Nhịp tim chậm, đánh trống ngực và các rối loạn nhịp khác, lạnh đầu chi, mất thăng bằng, hạ huyết áp, đau ngực, suy tim sung huyết, khó thở khi gắng sức.
Tâm thần: Dị mộng, mất ngủ, trầm cảm.
Tiêu hóa: Đau dạ dày/thượng vị/bụng, viêm dạ dày, khó tiêu, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón.
Cơ xương: Đau cơ/khớp, đau lưng/cổ, co cứng cơ, co giật/run.
Da: Phát ban, chàm, kích ứng da, ngứa, đỏ bừng, đổ mồ hôi, rụng tóc, phù mạch, viêm tróc da, viêm mao mạch da.
Giác quan đặc biệt: Rối loạn thị giác, đau mắt/nặng mắt, chảy nước mắt bất thường, ù tai, đau tai, bất thường vị giác.
Chuyển hóa: Gút.
Hô hấp: Hen suyễn/co thắt phế quản, viêm phế quản, ho, khó thở, viêm họng, viêm mũi, viêm xoang.
Tiết niệu – sinh dục: Giảm hoạt động tình dục/bất lực, viêm bàng quang, đau quặn thận.
Huyết học: Ban xuất huyết.
Chung: Mệt mỏi, suy nhược, đau ngực, khó chịu, phù, tăng cân.
Hydrochlorothiazide
Toàn thân: Yếu sức.
Tiêu hoá: Viêm tụy, vàng da (vàng da ứ mật trong gan), viêm tuyến nước bọt, co cứng, kích ứng dạ dày.
Huyết học: Thiếu máu bất sản, mất bạch cầu hạt, giảm bạch cầu, thiếu máu tiêu huyết, giảm tiểu cầu.
Quá mẫn: Ban xuất huyết, nhạy cảm với ánh sáng, mề đay, viêm mạch hoại tử (viêm mạch và viêm mao mạch da), sốt, suy hô hấp gồm viêm phổi và phù phổi.
Chuyển hoá: Tăng glucose huyết, glucose niệu, tăng acid uric huyết.
Cơ xương: Co cơ.
Hệ thần kinh/tâm thần: Bồn chồn.
Thận: Suy thận, viêm thận kẽ.
Da: Hồng ban đa dạng gồm hội chứng Stevens-Johnson, viêm tróc da gồm hoại tử biểu bì độc tính.
Giác quan đặc biệt: Mờ mắt thoáng qua, chứng thấy sắc vàng.
Bảo quản
Trong bao bì kín, nơi khô, tránh ánh sáng. Nhiệt độ không quá 30oC.
Trình bày và đóng gói
Viên nén bao phim: hộp 3 vỉ x 10 viên, hộp 4 vỉ x 10 viên, hộp 1 chai 30 viên.