BỔ SUNG AXIT FOLIC THEO KHUYẾN NGHỊ CỦA FIGO VÀ CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN TẠI 2 BỆNH VIỆN KHU VỰC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH: MỘT NGHIÊN CỨU CẮT NGANG
BỔ SUNG AXIT FOLIC THEO KHUYẾN NGHỊ CỦA FIGO VÀ CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN TẠI 2 BỆNH VIỆN KHU VỰC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH: MỘT NGHIÊN CỨU CẮT NGANG
Nguyễn Thị Thanh Tiên*, Nguyễn Duy Phong*, Trương Thị Thùy Dung*
TÓM TẮT :
Đặt vấn đề: Thiếu hụt axit folic trước giai đoạn bắt đầu tam cá nguyệt (TCN) II gây ảnh hưởng xấu lên sức khỏe cho cả thai phụ và thai nhi. Mặc dù, việc bổ sung axit folic đã được nghiên cứu rộng rãi và cụ thể trên phạm vi quốc tế, nhưng các nghiên cứu gần đây báo cáo tỷ lệ thai phụ có bổ sung axit folic theo các khuyến nghị trong hiệu quả phòng ngừa dị tật ống thần kinh còn khá thấp và chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố liên quan.
Mục tiêu: Xác định tỷ lệ thai phụ có bổ sung axit folic theo khuyến nghị của FIGO và các yếu tố liên quan tại Bệnh viện Hùng Vương và Từ Dũ.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang được thực hiện trên 400 thai phụ từ tuần thai thứ 14 trở lên (TCN II, TCN III) trong khoảng thời gian từ tháng 03 – 06/2019. Bộ câu hỏi tự phát triển được chỉnh sửa hoàn chỉnh thông qua phỏng vấn thử 20 thai phụ tại mỗi bệnh viện. Sau khi đồng ý tham gia nghiên cứu, thai phụ được phỏng vấn mặt đối mặt bằng bộ câu hỏi hoàn chỉnh để đưa vào phân tích. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc bổ sung axit folic theo khuyến nghị của FIGO được xác định bằng mô hình hồi quy Poisson đa biến.
Kết quả: Tỷ lệ thai phụ bổ sung axit folic gồm: 28,3% trước mang thai; 92,8% bổ sung trong TCN I, nhưng chỉ có 26,3% theo khuyến nghị của FIGO. Mô hình hồi quy poisson đa biến xác định các yếu tố liên quan đến tăng tỷ lệ bổ sung axit folic theo FIGO: từng nghe/đọc axit folic; dự định và khám tiền mang thai; trình độ học vấn thai phụ (≥THPT); Thu nhập gia đình (≥10 triệu); Nơi ở (Tỉnh thành).
Kết luận: 26,3% thai phụ đáp ứng đúng nhu cầu về bổ sung axit folic cho thời kỳ mang thai. Các phát hiện nhấn mạnh sự cần thiết của việc truyền thông giáo dục sức khỏe, hệ thống chăm sóc tiền sản và nhân viên y tế cần khuyến nghị việc bổ sung axit folic phù hợp cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản hướng đến một nhu cầu dinh dưỡng phù hợp cho thai kỳ khỏe mạnh.
Thiếu hụt axit folic là một trong những thiếu hụt vitamin phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (PNTĐTSS) và mang thai(1). Nhiều bằng chứng về dịch tễ và lâm sàng cho thấy thiếu hụt axit folic trước giai đoạn bắt đầu tam cá nguyệt (TCN) II gây những ảnh hưởng xấu lên sức khỏecho cả thai phụ và thai nhi: như khó khăn trong việc thụ thai(2); thiếu máu nguyên hồng cầu to(3,4,5); tăng nồng độ homocystein trong máu liên quan đến các kết quả thai kỳ kém ở cả thai phụ và thai nhi như tiền sản giật – sản giật, sinh non, nhẹ cân(6,7,8,9), dị tật bẩm sinh (DTBS) hay cụ thể dị tật ống thần kinh (DTOTK)(10,11,12). Bên cạnh đó, việc bắt đầu bổ sung axit folic từ sau TCN I chưa tìm thấy hiệu quả đối với thai kỳ và đồng thời có thể gây ra những tác hại đáng kể đến sức khỏe ở cả bà mẹ và trẻ: tăng nguy cơ tự kỷ(13)và dị ứng ở trẻ(14), tăng sinh khối u và suy giảm nhận thức ở bà mẹ.
https://thuvieny.com/bo-sung-axit-folic-theo-khuyen-nghi-cua-figo-va-cac-yeu-to-lien-quan-tai-2/