BƯỚC ĐẦU ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ BỆNH ĐỘNG MẠCH VÀNH TẠI BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG QUÂN ĐỘI 108
Cho đến nay ngoài điều trị nội khoa kinh điển, người ta còn áp dụng phương pháp phẫu thuật cầu nối chủ vành (CABG) và phương pháp can thiệp ĐMV qua da (PTCA) để điều tri bệnh ĐMV. Trong những năm gần đây, nhờ những tiến bộ vượt bậc trong chẩn đoán và can thiệp điều trị sớm, tỷ lệ NMCT trong các bệnh viện ở Mỹ đã giảm từ 20 – 30% xuống còn 10 – 15%. Ở Mỹ phương pháp CABG từ 180.000 ca/năm vào năm 1983 đã tăng lên 300.000 ca vào năm 1993. Phương pháp PTCA tăng nhanh chóng từ 400.000 ca/năm vào năm 1993 đã tăng lên 750.000 ca/năm sau 10 năm.
Các nghiên cứu trong nước về PTCA, CABG đã được viện Tim Mạch Quốc gia, bệnh viện Việt Đức công bố một vài năm gần đây. Để góp phần phong phú thêm kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị bệnh ĐMV trong ngành tim mạch nói chung cũng như trong giai đoạn đầu ứng dụng các phương pháp tiên tiến điều trị bệnh ĐMV tại bệnh viện Trung Ương Quân đội 108, chúng tôi tiến hành nghiên cứu này nhằm mục tiêu:
Đánh giá và so sánh kết quả điều trị giữa các nhóm điều trị nội khoa, nhóm điều trị can thiệp nong và đặt stent động mạch vành qua da và nhóm phẫu thuật cầu nối chủ – vành.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1. Đối tượng nghiên cứu
Gồm 112 bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng nghi ngờ mắc hoặc mắc bệnh ĐMV nằm điều trị tại bệnh viện TƯQĐ 108 từ 1/2001 – 3/2003, trong đó 90 bệnh nhân (80,4%) có chỉ định các phương pháp thăm dò không chảy máu trước khi tiến hành chụp ĐMV, 22 bệnh nhân (19,6%) có chỉ định chụp ĐMV trực tiếp. Tổng số bệnh nhân được chỉ định và tiến hành chụp ĐMV là 61 (54%).
2. Phương pháp nghiên cứu: tiến cứu
Sàng lọc bệnh nhân
Bệnh nhân nghi ngờ hoặc mắc bệnh ĐMV tuỳ theo chỉ định sẽ được sàng lọc bằng các phương pháp thăm dò không chảy máu: Điện tim gắng sức (ĐTGS), siêu âm gắng sức với Dobutamin (SÂGSD), xạ hình tưới máu cơ tim (XTMCT) và hoặc thăm dò chảy máu (chụp ĐMV).
Phân nhóm nghiên cứu
Chúng tôi áp dụng chỉ định chụp ĐMV theo tiêu chuẩn của Hội Tim Mạch Hoa Kỳ 1991 [5]. Dựa trên các tổn thương mạch trên chụp ĐMV và tình trạng lâm sàng, các bệnh nhân có tổn thương ĐMV được chia ra làm 3 nhóm:
– Chỉ định điều trị nội khoa (ĐTNK): Áp dụng theo khuyến cáo của Hội Tim mạch Hoa kỳ [9].
– Chỉ định điều trị can thiệp nong và đặt stent động mạch vành qua da (ĐTCTQD): Áp dụng theo khuyến cáo của Hội Tim mạch Hoa kỳ 1993 [6].
– Chỉ định điều trị phẫu thuật cầu vành (ĐTPT): Áp dụng theo khuyến cáo của Hội Tim mạch Hoa kỳ
[3], khi điều trị nội khoa không kiểm soát được và không có chỉ định ĐTCTQD.
Theo dõi kết quả điều trị ngắn hạn (< 3 tháng) và trung hạn (3 – 12 tháng) được đánh giá bằng: lâm sàng, các biến cố tim mạch (cơn đau thắt ngực, NMCT, suy tim, tử vong do tim và tai biến mạch não) và một số thăm dò không chảy máu.
3. Xử lý số liệu
Các số liệu được sử lý qua chương trình SPSS, EPI – INFO 6.0 của Tổ chức Y tế thế giới. p < 0,05 được coi là có ý nghĩa thống kê.
Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích