Các bước của nội soi dạ dày – tá tràng
Nội soi dạ dày – Tá tràng là thủ thuật đưa một máy soi mềm qua thực quản vào dạ dày, tá tràng để quan sát toàn bộ niêm mạc của dạ dày, tá tràng. Thủ thuật này cũng có thể gây ra những biến chứng khó lường nếu bạn không tuân thủ hướng dẫn của các bác sĩ hoặc không thông báo trước tình trạng sức khỏe của bạn cũng như các loại thuốc bạn đang dùng với các bác sĩ.
Thủ thuật nội soi có thể được thực hiện tại một bệnh viện hoặc phòng khám. Quá trình này thường được thực hiện bởi một bác sĩ được đào tạo đặc biệt. Ca nội soi bình thường thường chỉ mất một vài phút.
Sau đây Ths.Bs. Trần Việt Hùng sẽ giúp chúng ta tìm hiểu về những điều nên làm trước khi soi dạ dày – Tá tràng và những biến chứng có thể xảy ra trong quá trình soi.
Trao đổi với bác sĩ tiến hành thủ thuật
- Trao đổi với các bác sĩ hoặc y tá về các bệnh lý mà bạn mắc phải như tim, phổi, huyết áp… thậm chí cả dị ứng.
- Cung cấp cho các bác sĩ hoặc y tá danh sách các loại thuốc mà bạn đang dùng vì có thể nó sẽ ảnh hưởng đến quá trình soi và điều trị sau nay.
Đặc biệt đối với bệnh nhân tiểu đường hay tim mạch cần lưu ý:
- Tránh hoàn toàn các loại thuốc dành cho bệnh nhân tiểu đường hoặc làm loãng máu chẳng hạn như warfarin trước khi làm thủ thuật.
- Nên hỏi bác sĩ về các loại thuốc trước khi bạn dùng nếu bạn có kế hoạch soi dạ dày – Tá tràng
- Để thực hiện việc nội soi an toàn và giúp các bác sĩ chuẩn đoán được chính xác các tổn thường nếu có, Không ăn trước khi soi 6 tiếng, tránh các đồ uống có màu.
Các bước chuẩn bị soi dạ dày – tá tràng
- Các y tá có thể sẽ yêu cầu thay áo choàng bệnh viện
- Bạn sẽ được đưa vào buồng nội soi và ký cam đoan đồng ý làm thủ thuật để đảm bảo rằng đã hiểu rõ các quy định và những gì liên quan đến cuộc soi.
- Bạn sẽ được xịt tê vào vòm miệng, cổ họng hoặc được xúc miệng bằng một loại thuốc gây tê tại chỗ giúp cho bạn cảm thấy thoải mái hơn trong quá trình soi, Có thể uống thuốc an thần hoặc tiêm thuốc an thần vào tĩnh mạch. Bạn sẽ cảm thấy buồn ngủ sau ít phút.
Các bước tiến hành soi Thực quản – dạ dày – tá tràng
- Bệnh nhân sẽ được yêu cầu nằm nghiêng về phía bên trái trên bàn nội soi.
- 01 canuyn nhựa sẽ được đặt giữa hai hàm răng của bạn để giúp giữ cho miệng mở ra trong suốt quá trình soi.
- Khi mọi thứ đã sẵn sàng, Bác sĩ sẽ nhẹ nhàng đưa trượt ống nội soi thông qua họng và trên mặt sau của lưỡi vào thực quản (trong suốt quá trình nội soi, máy nội soi sẽ được đưa vào thông qua miệng).
- Không khí sẽ được bơm vừa phải vào dạ dày trong quá trình nội soi, cho phép các bác sĩ quan sát niêm mạc đường tiêu hóa dễ dàng hơn.
- Bạn sẽ cảm thấy nước bọt chảy ra, không cần phải cố gắng nuốt, nó sẽ chảy ra vào khay đặt dưới miệng của bạn. Một thiết bị hút có thể được sử dụng để làm cho bạn cảm thấy thoải mái hơn.
- Huyết áp, nhịp tim và mức độ oxy trong máu của bạn có thể được theo dõi trong suốt quá trình soi.
- Bạn có thể được thở oxy thông qua một mặt nạ hoặc các ống nhỏ bằng nhựa đặt gần mũi của.
Nội soi không đau đớn, nội soi sẽ không can thiệp vào đường thở của bạn. Nếu bạn gặp bất kỳ sự khó chịu nhỏ nào trong suốt quá trình, bạn có thể hít thở sâu, chậm rãi để có thể giúp bạn điều chỉnh các khó chịu mà bạn đang gặp phải
Trong khi nội soi các bác sĩ có thể cần phải lấy các mẫu mô nhỏ (gọi là sinh thiết), để gửi đi sinh thiết tại khoa Giải phẫu bệnh. Quá trình này không gây đau đớn ..
Sau khi nội soi cần làm những gì?
Khi quá trình nội soi đã hoàn thành. Nếu không dùng thuốc an thần bệnh nhân có thể ra về ngay sau khi soi. Nếu dùng thuốc an thần hoặc bị tiêm thuốc tiền mê, bệnh nhân sẽ được chuyển đến khu vực hồi tỉnh đặc biệt để theo dõi. Bệnh nhân sẽ ngủ cho đến khi hết những tác dụng của thuốc. Chúng tôi khuyến khích nên có người thân đi cùng để hỗ trợ bệnh nhân sau khi soi gây mê.
Nếu được gây tê cục bộ, bạn sẽ không thể ăn hoặc uống cho đến khi cảm thấy cổ họng hoàn toàn bình thường trở lại. Điều này có thể mất từ 30 phút đến một giờ
Bạn sẽ vẫn được các y tá theo dõi nhịp mạch và huyết áp đều đặn. Khi cảm thấy tỉnh táo và mạch và huyết áp đã trở lại bình thường. Bạn sẽ được phép ra về sau một đến hai giờ khi nội soi kết thúc.
Một số biến chứng có thể gặp sau quá trình nội soi
Một số bệnh nhân sẽ có cảm giác đau nhẹ ở cổ họng do máy nội soi đi qua, một số khác cảm thấy đầy hơi hoặc co thắt khó chịu đó là kết quả do không khí được bơm trong khi nội soi. Trong vòng 24 giờ cảm giác này sẽ hết.
Bạn nên thông báo với các bác sĩ nếu bạn cảm thấy nặng ngực, đau bụng, khó thở, ho hoặc nôn ra máu.
Kết quả sinh thiết sẽ được trả sau vài ngày. Thông thường các bác sĩ sẽ ghi ngày hẹn trả kết quả sinh thiết dưới kết quả soi của bạn.
Các kết quả
Trong nhiều trường hợp, Bác sĩ nội soi sẽ giải thích triệu chứng và cho biết các chẩn đoán về tình trạng của bạn. Nội soi là một kỹ thuật cho phép các bác sĩ trực tiếp kiểm tra hệ thống tiêu hóa và do đó độ chính xác cao.
Điều gì sẽ xảy ra nếu kết quả nội soi bình thường?
Mặc dù kết quả nội soi rất có giá trị trong việc chẩn đoán các bệnh về tiêu hóa. Tuy nhiên, trong một số trường hợp kết quả nội soi là bình thường (âm tính) không có nghĩa bạn không có bệnh gì. Kết quả này cùng với các triệu chứng của bạn sẽ hỗ trợ các bác sĩ có kết luận chính xác hơn.
Ví dụ: Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là một trong những rối loạn tiêu hóa thường gặp nhất với các triệu chứng ợ nóng mạn tính và trào ngược axit. Hơn một nửa số bệnh nhân có triệu chứng này đã không có các tổn thương nào có thể nhìn thấy ở lớp niêm mạc của thực quản. Do đó, kết quả của nội soi có thể kết luận là bình thường.
Ths. Bs Trần Việt Hùng – BV Bạch Mai
Theo Benh.vn