Các loại hình tàn tật trên bệnh nhân phong tại tỉnh Hà Nam

Các loại hình tàn tật trên bệnh nhân phong tại tỉnh Hà Nam

Nghiên cứu nhằm xác định các loại hình tàn tật trên bệnh nhân phong tại Hà Nam năm 2010. Kết quả nghiên cứu cho thấy tàn tật phối hợp các vị trí chiếm tỷ lệ cao, cao nhất là tàn tật ở bàn tay và bàn chân (39,3%), tiếp theo là tàn tật ở cả 3 vị trí: mắt, bàn tay và bàn chân (24,7%). Tỷ lệ tàn tật chỉ ở chân riêng lẻ chiếm 19,7%, tay riêng lẻ chiếm 12,4%. Từ kết quả trên có thể kết luận, sự phối hợp tàn tật trên bệnh nhân phong rất phức tạp và chủ yếu là các tàn tật phối hợp trên nhiều vị trí, mức độ tàn tật ở độ 2 cao làm cho việc phục hồi chức năng cho những bệnh nhân phong bị tàn tật là rất khó khăn.

Trên thế giới hàng năm số bệnh nhân phong mới được phát hiện là khoảng chừng 250.000 người và tỷ lệ bệnh nhân mới mắc tàn tật cũng khá cao do được phát hiện muộn [6]. Ở Việt Nam, chương trình phòng chống bệnh phong đã được trở thành chương trình mục tiêu Y tế Quốc gia từ năm 1995 và đã thu được nhiều thành tích đáng khích lệ. Quan niệm về bệnh phong trong nhân dân đã được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hiện mắc phong giảm đáng kể, tất cả bệnh nhân phong được điều trị khỏi bằng đa hóa trị liệu. Số lượng và tỷ lệ bệnh nhân phong giảm từ 15,195 bệnh nhân (18,28/100.000 dân) năm 2005 xuống còn 12,490 bệnh nhân (14,52/100.000 dân) [1].
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn có rất nhiều bệnh nhân mặc dù đã được chữa khỏi bệnh nhưng đang phải chịu ảnh hưởng của những di chứng tàn tật cần được chăm sóc. Trong năm 2010, số bệnh nhân phong mới mắc là 359 người và trong số đó có 67 bệnh nhân mắc tàn tật độ 2 là 78 người, chiếm tỷ lệ 18,7% [1]. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ bệnh nhân phong bị tàn tật chiếm 82,4%, tỷ lệ tàn tật ở bàn tay, bàn chân là phổ biến và có đến trên 90% đã có tàn tật trước khi đến khám và điều trị [4]. Đa số bệnh nhân phong đến cơ sở khám chữa bệnh muộn, đây là một gánh nặng không những về kinh tế mà còn về tinh thần cho bản thân, gia đình bệnh nhân phong và toàn xã hội. Chăm sóc tàn tật tốt cho bệnh nhân không những giúp họ cải thiện khả năng lao động, hoà nhập cộng đồng mà còn góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền giáo dục y tế nhằm góp phần xoá bỏ thành kiến về bệnh phong trong nhân dân.
Tàn tật trong bệnh phong được chia làm hai loại, tàn tật tiên phát và tàn tật thứ phát. Tàn tật tiên phát là do trực khuẩn phong xâm nhập vào dây thần kinh gây viêm, tổn hại dây thần kinh dẫn đến các thương tổn như mất cảm giác nóng lạnh, sờ mó, đau; liệt cơ, teo cơ, co ngón tay chân, bàn chân rủ, mắt thỏ, tiêu xương, giảm tiết mồ hôi làm da bị khô. Các tàn tật thứ phát do người bệnh không biết bảo vệ chăm sóc bàn tay, bàn chân mất cảm giác, không phòng các thương tích ở mắt do chứng hở mi, mất cảm giác giác mạc mà gây nên các tàn tật này. Mục tiêu của nghiên cứu này là xác định các loại hình tàn tật trên bệnh nhân phong tại Hà Nam năm 2010.

Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích

Leave a Comment