Các nguyên nhân chính gây tử vong tại huyện Ba Vì, Hà Tây: kết quả từ một nghiên cứu theo dõi dọc trong 3 năm 2005 – 2007

Các nguyên nhân chính gây tử vong tại huyện Ba Vì, Hà Tây: kết quả từ một nghiên cứu theo dõi dọc trong 3 năm 2005 – 2007

Thông tin về mô hình nguyên nhân tử vong rất quan trọng và là một yếu tố cần thiết cho quá trình xây dựng kế hoạch và hoạch định chính sách y tế. Tử vong là một chỉ số dễ đo lường hơn so với những chỉ số y tế khác như tình hình mắc bệnh. Mô hình nguyên nhân tử vong phần nào phản ánh được mô hình bệnh tật đang diễn ra. Ở các nước đang phát triển hầu hết những trường hợp tử vong xảy ra tại nhà sẽ không được báo cáo với cán bộ y tế. Chính vì vậy, việc chẩn đoán nguyên nhân tử vong gặp rất nhiều khó khăn.

Xuất phát từ tình hình đó, phương pháp xác định nguyên nhân tử vong bằng phỏng vấn (VA) được áp dụng từ những năm 50 [3]. Sau đó, phương pháp này được Tổ chức Y tế Thế giới (TCYTTG) khuyến cáo áp dụng ở các nước mà hệ thống thu thập số liệu tử vong chưa bảo đảm yêu cầu cung cấp thông tin [5]. Hiện nay ở Việt Nam, thông tin về nguyên nhân tử vong còn chưa đầy đủ. Số liệu về nguyên nhân tử vong chỉ được thu thập từ các cơ sở y tế trong khi đa số các trường hợp tử vong đều xảy ra tại nhà và không có sự chứng kiến của nhân viên y tế. Chúng tôi tiến hành nghiên cứu này tại huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây với mục tiêu:

1. Mô tả các nguyên nhân tử vong theo phân loại ICD – 10 tại huyện Ba Vì.

2. Phân tích mối liên quan giữa một số yếu tố kinh tế – xã hội với các nguyên nhân tử vong trong thời gian 3 năm (2005 – 2007) tại địa bàn nghiên cứu.

II. ĐỐI   TƯỢNG   VÀ   PHƯƠNG   PHÁP NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu được tiến hành tại cơ sở thực địa dịch tễ học FilaBavi thuộc huyện Ba Vì, Hà Tây. Huyện Ba Vì với dân số khoảng 235.000 người. Đơn vị chọn mẫu là làng. Toàn bộ huyện Ba Vì được chia thành 352 cụm với trung bình mỗi cụm có  146  hộ  gia  đình  và  676  người.  Áp  dụng phương pháp chọn mẫu nhiều bước, kết hợp phân tầng theo tính chất địa lý (miền núi, vùng gò đồi và ven sông); trong từng tầng xác suất của những cụm được chọn vào mẫu nghiên cứu tỷ lệ với số dân cư của cụm đó (phương pháp PPS). 69 cụm đã được chọn với số dân là 51.024 người sống trong 11.089 hộ gia đình. Tất cả các hộ gia đình thuộc những cụm đã được chọn vào nghiên cứu đều được điều tra phỏng vấn.

Đây là một nghiên cứu theo dõi dọc, bao gồm hai cuộc điều tra cơ bản hộ gia đình (2005 và 2007) và 12 cuộc điều tra theo dõi các hộ gia đình theo quý (3 tháng một lần) để thu thập thông tin các trường hợp tử vong trong ba năm tại địa bàn nghiên cứu và các thông tin về tình hình kinh tế – xã hội của các hộ gia đình từ 1/1/2005 đến 31/12/2007.

Những trường hợp tử vong được ghi nhận trong mẫu nghiên cứu, các điều tra viên sẽ phỏng vấn trực tiếp người thân gần gũi và nắm được nhiều nhất các triệu chứng/dấu hiệu và quá trình điều trị cho đợt ốm trước khi mất của trường hợp tử vong. Các điều tra viên đều được tập huấn cẩn thận về kỹ năng phỏng vấn, cách nhận biết các triệu chứng/dấu hiệu của bệnh trước khi tiến hành phỏng vấn VA. Tất cả các phiếu phỏng vấn được chuyển đến bác sỹ chẩn đoán nguyên nhân tử vong. Nguyên nhân chính gây tử vong được mã hóa theo Phân loại bệnh quốc tế ICD – 10 [6].

Phân tích số liệu: sử dụng phần mền Stata phiên bản 10 để phân tích số liệu. Phân tích đa biến được sử dụng để đánh giá mối liên quan giữa  một  số  yếu  tố  kinh  tế  –  xã  hội với các nguyên nhân gây tử vong phổ biến. Phân loại kinh tế dựa theo 5 nhóm (quintile) của chỉ số thịnh vượng (Wealth index). Chỉ số thịnh vượng là một tiêu chí tổng hợp được xây dựng dựa trên điều kiện nhà cửa, đất đai, thu nhập, chi tiêu, một số vật dụng có giá trị.

Số liệu về nguyên nhân tử vong giúp các nhà hoạch định chính sách đánh giá gánh nặng bệnh tật và xác định các vấn đề sức khỏe cần ưu tiên can thiệp. Mục tiêu: (1) Mô tả các nguyên nhân gây tử vong tại huyện Ba Vì, Hà Tây trong ba năm từ 2005 – 2007; (2) Phân tích mối liên quan giữa một số yếu tố kinh tế – xã hội với các nguyên nhân gây tử vong. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: đây là nghiên cứu theo dõi dọc được tiến hành tại cơ sở thực địa dịch tễ học Ba Vì. . Kết quả và kết luận: trong 3 năm nghiên cứu có 719 trường hợp tử vong được ghi nhận. Các bệnh không lây truyền là nguyên nhân phổ biến gây tử vong, trong đó bệnh tim mạch chiếm 28,2%. Tai nạn thương tích gặp ở nam cao hơn ở nữ giới (p < 0,05). Các bệnh nhiễm trùng chiếm tỷ lệ 12,1%, trong đó hơn một phần ba là nhiễm khuẩn đường hô hấp và bệnh lao. Điều kiện kinh tế khá là yếu tố bảo vệ đối với tử vong do các bệnh lây truyền ở nam giới.
 

Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích

Leave a Comment