Các týp gen Caga và Vaca của vi khuẩn Helicobacter Pylori trong ung thư Dạ Dày

Các týp gen Caga và Vaca của vi khuẩn Helicobacter Pylori trong ung thư Dạ Dày

 

 

Vi khuẩn H. pylori được tìm ra vào tháng 4 năm 1982, kể từ đó đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về vi khuẩn này gây ra các bệnh ở dạ dày – tá tràng như viêm, loét và ung thư dạ dày [15]. Năm 1983, Marshall là một trong hai người tìm ra H. pylori lần đầu tiên đưa ra giả thuyết về sự kết hợp giữa nhiễm H. pylori và ung thư dạ dày [7]. Năm 1994, Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu về Ung thư (International Agency for Research on Cancer – IARC) dựa trên các bằng chứng dịch tễ học đã nêu lên sự liên quan giữa nhiễm H. pylori với carcinom hay là ung thư dạ dày, và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công nhận và xếp H. pylori là tác nhân quan trọng hàng đầu hay nhóm 1 các tác nhân gây carcinom dạ dày [8].

 

Liên quan đến bệnh sinh, ngoài các yếu tố môi trường, yếu tố ký chủ có các thay đổi về di truyền như thay đổi về gen… là những tác nhân có khả năng gây bệnh. Một yếu tố quan trọng khác đó là độc lực của vi khuẩn H. pylori có thể nhiều hay ít hoặc là cao hay thấp tùy thuộc vào các chủng H. pylori liên quan đến các gen cagA và gen vacA. Gen cagA (cytotoxin – associated gene) và gen vacA (vacuolating toxin gene) là các gen được coi là yếu tố độc lực chủ yếu có khả năng  gây bệnh và  đặc  trưng  của  vi  khuẩn H. pylori [1, 6]. Sự kết hợp giữa các gen cagA và các týp gen vacA có thể liên quan đến nguy cơ với các mức độ biểu hiện lâm sàng khác nhau của bệnh [5]. Gen cagA có thể không có ở tất cả các chủng H. pyori [3]. Protein cagA, có kích thước từ 128 đến 140 kDa, có khả năng kích thích phản ứng phosphoryl hóa tyrosine trong tế bào ký chủ, dẫn đến sự tăng sinh bất thường của các tế bào biểu mô dạ dày [11]. Gen vacA có chứa ít nhất hai vùng biến đổi gồm vùng tín hiệu và vùng giữa. Vùng giữa (middle) của gen vacA có các týp gen là m1/m2 và vùng tín hiệu (signal) có thể có các týp gen là s1/s2. Mức độ độc tố cao hay thấp của gen vacA phụ thuộc vào các týp gen của hai vùng này. Chủng H. pylori với týp gen vacA s1/m1 có độc tố trên tế bào mạnh hơn týp gen vacA s1/m2, trong khi đó chủng H. pylori với týp gen vacA s2/m2 không gây độc tố [1].

 

Để hiểu rõ hơn về tính đa dạng và vai trò của các týp gen vacA của H. pylori liên quan đến các bệnh dạ dày, Rhead và cộng sự [12] đã nêu lên ngoài 2 vùng giữa của gen vacA có các týp gen là m1 hoặc m2 và vùng tín hiệu có các týp gen là s1 hoặc s2 còn có vùng trung gian (intermediate) ký hiệu là i. Ở vùng trung gian có 2 cặp alleles khác nhau gồm i 1 (vacuolating) và i 2 (nonvacuolating). Tất cả các cặp gen vacA s1/m1 thuộc týp i 1, tất cả các gen vacA s2/m2 thuộc týp i 2, và vacA s1/ m2 có thể thuộc týp i 1 hoặc i 2.

 

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm H. pylori cao, và ung thư dạ dày hiện đang là một vấn đề lớn, thời sự trong các bệnh ung thư đường tiêu hoá. Vì vậy việc nghiên cứu để hiểu rõ hơn về bệnh sinh của ung thư dạ dày nhằm tìm ra những chiến lược can thiệp có hiệu quả để điều trị và phòng ngừa là vấn đề hết sức quan trọng và cấp thiết.

 

Công trình nghiên cứu này của chúng tôi dựa trên phương pháp multiplex PCR (Polymerase Chain Reaction) với mục tiêu:

 

Xác định các týp gen cagA và vacA với các týp gen vacA s1/s2; vacA m1/m2 của H. pylori, và mối liên quan giữa các týp gen này với ung thư dạ dày ở bệnh nhân khu vực thành phố Hồ Chí Minh và miền Nam Việt Nam.

 

Trên cơ sở đó nhằm mục đích tầm soát và theo dõi những bệnh nhân nhiễm H. pylori với các týp gen mắc phải có nguy cơ cao của bệnh ung thư dạ dày.

 


 

I. ĐỐI   TƯỢNG   VÀ   PHƯƠNG   PHÁP NGHIÊN CỨU

 

1. Đối tượng nghiên cứu

 


 

Trong khoảng thời gian từ tháng 12/2008 đến tháng 5/2010, tại bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi tiến hành nghiên cứu các týp gen của vi khuẩn H. pylori.

 

Thiết kế nghiên cứu bệnh chứng gồm 2 nhóm:

 

(1) 126 bệnh nhân ung thư dạ dày (hang vị) được mổ cắt 2/3 dạ dày, nạo hạch R2, trong số này có 96 bệnh nhân ung thư dạ dày có H. pylori – dương tính và 30 H. pylori – âm tính; và (2) nhóm chứng 93 viêm dạ dày có H. pylori – dương tính được đưa vào nghiên cứu.

 

2. Phương pháp nghiên cứu

 


 

Tiêu chuẩn chọn bệnh và loại trừ: chọn các bệnh nhân sau mổ cắt bán phần dưới dạ dày do ung thư biểu mô tuyến (carcinoma). Loại trừ các trường hợp: bệnh phẩm không đạt yêu cầu về kích thước và bảo quản, các thương tổn khác như Limphoma, Sarcoma dạ dày.

 

Thu thập mẫu

 

Bệnh nhân sau mổ cắt bán phần dưới dạ dày do ung thư. tiến hành lấy 6 mẫu mô: mẫu mô ung thư (mô bệnh) được lấy ở ranh giới mô lành và mô ung thư, mẫu mô lành lấy cách thương tổn ít nhất 5 cm về phía trên của bờ cắt dạ dày. Hai mẫu mô (khoảng 0,5 cm) chẩn đoán CLO test. Bốn mẫu mô kích thước khoảng 1 – 1,5 cm gồm: 1 mô lành và 1 mô bệnh được gửi làm mô bệnh học tại Bộ môn Giải phẫu bệnh, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Hai mẫu mô còn lại được gửi xác định týp gen tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh.

 

Nhóm chứng bệnh nhân viêm dạ dày có H. pylori – dương tính được lấy từ 3 mẫu sinh thiết dạ dày trong lúc nội soi, kích thước các mẫu khoảng 0,5 cm gồm: 1 chẩn đoán CLO test, 1 chẩn đoán mô bệnh học, và 1 gửi định danh týp gen của H. pylori.

Chẩn đoán nhiễm H. pylori: bệnh nhân trong nghiên cứu ở cả 2 nhóm ung thư và viêm dạ dày có H. pylori – dương tính được chẩn đoán đồng thời bằng 3 thử nghiệm: (1) thử nghiệm urease (CLO test); (2) Giải phẫu bệnh; và (3) Phản ứng chuỗi trùng hợp (PCR). H. pylori – dương tính được định nghĩa khi có ít nhất 2 trong 3 và hoặc cả 3 thử nghiệm dương tính.

Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích

Leave a Comment