Các yếu tố ảnh hưởng tới bạo lực gia đình ở phụ nữ nông thôn Việt Nam

Các yếu tố ảnh hưởng tới bạo lực gia đình ở phụ nữ nông thôn Việt Nam

Bạo lực đối với phụ nữ (PN) trong gia đình không phải là vấn đề mới mà là hiện tượng xảy ra ở mọi quốc gia, mọi nền văn hóa và mọi tầng lớp xã hội [1]. Hiện nay có khoảng 20 – 50% PN trên thế giới đang là  nạn nhân của bạo lực gia đình dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau [2].

Theo WHO bạo lực gia đình bao gồm bạo lực đối với trẻ em, bạo lực đối với người già và bạo lực vợ chồng (partner). Bạo lực gia đình được phân ra thành  các loại  chính là: (1) bạo lực về  thể  chất (physical violence) ví dụ như tát, đấm đá, đánh…;(2) bạo lực về tinh thần (emotional or psychologi-cal violence) đó là những hành động như đe dọa, làm nhục,  làm bẽ  mặt….và  (3) bạo lực tình dục (sexual violence) là những hành động ép buộc QHTD bằng những hình thức sử dụng vũ lực hay lời nói [3].

Bạo lực gia đình (BLGĐ) đối với PN đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe thể chất, tinh thần và  xã hội của người PN. Tổ  chức Y tế Thế giới ước tính có từ 16 – 52% PN bị tổn thương thể chất và một phần ba PN bị tổn thương về sức khỏe tình dục do BLGĐ [1].

Ở Việt Nam, BLGĐ đang tồn tại, phạm vi ảnh hưởng rộng và nghiêm trọng [4; 5]. Bên cạnh đó hậu quả phá vỡ gia đình, ảnh hưởng tới sức khỏe của BLGĐ cũng đã được đề cập tới. Trong số 102 ca tự tử tại huyện Xuân Trường, Nam định (1997 – 2000) thì 90 ca (88,23 %) có nguyên nhân liên quan đến BLGĐ [6].

Huyện Yên phong cũng như tỉnh Bắc Ninh đang trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. BLGĐ có xu hướng gia tăng, cụ thể là: năm 2003 là 120 vụ, năm 2004 là 150 vụ, năm 2005 là 210 vụ [6]. Các vụ bạo lực cũng chủ yếu diễn ra đối với các cặp vợ chồng ở độ tuổi sinh đẻ. Số vụ ly hôn có xu hướng tăng trong những năm gần đây, nguyên nhân chủ yếu là do BLGĐ, người vợ bị đánh đập ngược đãi (chiếm 55,8% tổng số vụ ly hôn năm 2005) [6]. Hiện tại chưa có số liệu nào về tình trạng bạo lực  gia đình ở phụ  nữ tại đây, do vậy chúng tôi tiến hành nghiên cứu nhằm mục tiêu:

Tìm hiểu một số yếu tố ảnh hưởng đến bạo lực gia đình ở phụ nữ tại huyện Yên Phong, Bắc Ninh năm 2006.

I. ĐỐI  TƯỢNG  VÀ  PHƯƠNG   PHÁP NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu sử dụng thiết kế mô tả cắt ngang, phỏng vấn bằng bảng hỏi những đối tượng là phụ nữ có chồng dưới 50 tuổi sống tại 4 xã (Vạn An, thị trấn Chờ, xã Long Châu và xã Hòa Tiến) của huyện Yên Phong. Cỡ mẫu được tính theo công thức chọn mẫu ngẫu nhiên đơn. Đối tượng phỏng vấn được lựa chọn theo phương pháp chọn mẫu cụm. Chọn ngẫu nhiên 3 thôn trong 4 xã nêu trên. Lập danh sách phụ nữ có chồng dưới 50 tuổi ở 12 thôn, sau đó lựa chọn 442 phụ nữ dựa vào khung mẫu đã lập.

Bên cạnh điều tra bằng bảng hỏi, nghiên cứu còn thu thập số liệu theo phương pháp định tính (phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm) với một số đối tượng như nam giới có hành động bạo lực với vợ và phụ nữ bị bạo lực bởi chồng. Bạo lực được phân theo [1] thời gian: bạo lực trong cuộc đời và trong 12 tháng qua, và [2] tính chất: thể chất, tinh thần và tình dục.

Thực trạng bạo lực của chồng đối với vợ được mô tả bằng hai nhóm biến số là: (1) bạo lực theo thời gian và theo tính chất và (2) nguyên nhân và hậu quả bạo lực. Các yếu tố  liên quan được tìm hiểu bao gồm: (1) nhóm các yếu tố về nhân khẩu học, [2] một số hành vi nguy cơ của người chồng (uống rượu, đánh bạc, nghiện hút), và (3) các yếu tố về kinh tế (thu nhập, điều kiện kinh tế gia đình) và các yếu tố về quan niệm, thái độ của phụ nữ với một số nhận định về quan hệ vợ chồng và về bạo lực. Nghiên cứu được triển khai trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 10/2006.

Tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng tới bạo lực gia đình ở huyện Yên Phong, Bắc Ninh. Phương pháp nghiên cứu: thực hiện nghiên cứu điều tra cắt ngang phụ nữ có chồng tuổi 19 – 45 vào name 2006 bằng bảng hỏi, kết hợp với phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm. Kết quả và kết luận: có 42% PN đã từng bị bạo lưc của chồng trong cuộc đời, tỷ lệ này trong 12 tháng qua là 22,6%. Loại hình bạo lực phổ biến nhất là tinh thần, sau đó là thể chất và tình dục. Giai đoạn 15 năm đầu của hôn nhân là giai đoạn xảy ra bạo lực nhiều nhất đối với đa số PN từng bị bạo lực. Có sự khác biệt có ý nghĩa thông kê giữa các nhóm có trình độ học vấn; nghề nghiệp, điều kiện kinh tế theo tỷ lệ bạo lực trong cả cuộc đời (P < 0,05), nhưng lại không tìm thấy sự khác biệt trong vòng 12 tháng qua. Những người có chồng nghiện rượu, đánh bạc và không chung thủy có khả năng bị bạo lực gia đình cao hơn những người khác. Những PN đánh giá việc chồng đánh vợ là rất nghiêm trọng thì ít có khả năng bị bạo lực trong cuộc đời và trong 12 tháng qua hơn những PN coi vấn đề này là nhỏ/ bình thuờng. Kết luận: nghiên cứu cho thấy rằng để có thể phòng chống và hạn chế bạo lực trong gia đình cần tăng cường công tác giáo dục tuyên truyền để nâng cao nhận thức của PN và nam giới về vấn đề bình đẳng giới.
 

Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích

Leave a Comment