Các yếu tố liên quan và gánh nặng nhiễm khuẩn bệnh viện
Hạn chế nhiễm khuẩn bệnh viện là vấn đề cần thiết nhằm giảm gánh nặng về chi phí và thời gian nằm viện của bệnh nhân. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Thiết kế nghiên cứu mô tả cắt ngang có phân tích hồi quy đơn biến, đa biến trên 3095 bệnh nhân điều trị tại 2 bệnh viện tuyến tỉnh và 2 bệnh viện tuyến huyện thuộc tỉnh Hưng Yên năm 2010. Kết quả: tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 4,4%. Một số yếu tố liên quan đến nhiễm khuẩn bệnh viện qua phân tích đa biến gồm: mở khí quản (OR = 6,0; p < 0,05); đặt ống thông tiểu (OR = 2,0; p < 0,05); bệnh nhân chấn thương hoặc có tuổi > 30 tuổi (OR = 2,2; p < 0,01); và bệnh nhân là nam giới (OR = 1,7; p < 0,01). Thời gian nằm viện trung bình của nhóm bệnh nhân mắc nhiễm khuẩn bệnh viện là 12,4 ngày/đợt, gần gấp đôi thời gian nằm viện trung bình của nhóm bệnh nhân không mắc nhiễm khuẩn bệnh viện, với p < 0,01. Chi phí điều trị trung bình ở bệnh nhân có nhiễm khuẩn bệnh viện là 3,1 triệu đồng/đợt, cao hơn ở bệnh nhân không mắc nhiễm khuẩn bệnh viện: 1,6 triệu đồng/đợt, với p < 0,01. Kết luận: Tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện 4,4%. Các yếu tố bệnh nhân có các dấu hiệu mở khí quản, đặt ống thông tiểu, chấn thương, nam giới, tuổi > 30 có liên quan đến nhiễm khuẩn bệnh viện. Thời gian nằm viện và chi phí điều trị trung bình của nhóm nhiễm khuẩn bệnh viện cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm không bị nhiễm khuẩn bệnh viện.
Tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong những chỉ số quan trọng phản ánh chất lượng chuyên môn của một bệnh viện, liên quan đến sự an toàn của cả người bệnh và nhân viên y tế. Tại các nước phát triển, từ 5 – 10% bệnh nhân nội trú mắc ít nhất một loại nhiễm khuẩn bệnh viện [6, 7, 9].
Các nghiên cứu trước đây đưa ra 5 hậu quả nhiễm khuẩn bệnh viện đối với bệnh nhân: Kéo dài thời gian điều trị; tăng chi phí chăm sóc, điều trị; tăng tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong. Nhìn chung, nhiễm khuẩn bệnh viện làm tăng gấp 2 lần thời gian nằm viện và chi phí điều trị [7, 8]. Ngoài ra, nhiễm khuẩn bệnh viện còn là nguyên nhân làm xuất hiện những chủng vi khuẩn đa kháng thuốc [5]. Tình trạng này đặc biệt phổ biến với những nước đang phát triển, nơi mà cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng cơ bản cho kiểm soát nhiễm khuẩn [6, 7].
Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích