Chẩn đoán di truyền phân tử bệnh beta thalassaemia tại bệnh viện từ dũ
Beta thalassaemia là bệnh thiếu máu di truyền lặn theo quy luật Mendel. Bệnh do đột biến ở gen ß-globin gây ra. Một số nghiên cứu ở quần thể người Việt Nam cho thấy có khoảng 8 đột biến gây ra hơn 95% các trường hợp ß-thalassaemia, bao gồm -28 A>G, codon 17 AAG>TAG, IVS 1-1 G>T, codons 41/42 –TTCT,codon 71/72 +A, codon 95 +A, IVS 2-654 C>T và codon 26 GAG>AAG (gây bệnh huyết sắc tố E (HbE) một thể ß-thalassaemia đặc biệt) [20]. Cá thể dị hợp tử, là người mang một alen đột biến ß-thalassaemia, có thiếu máu nhược sắc trên công thức máu nhưng lại có kiểu hình bình thường trên lâm sàng. Cá thể đồng hợp tử cùng lúc mang hai alen đột biến, thường sau 3 – 6 tháng tuổi sẽ có biểu hiện thiếu máu nhược sắc nặng dần, cần phải truyền máu thường xuyên và suốt đời [1]. Ngoài ra biến chứng dư sắt do truyền máu ở các cá thể này cũng rất nghiêm trọng, điều trị phức tạp và tốn kém.
Đây là một trong những bệnh di truyền phổ biến nhất tại Việt Nam [21]. Tần suất mang gen bệnh phân bố không đồng đều trong các quần thể. HbE phổ biến nhất với tỉ lệ mang gen có nơi hơn 70%, và ß-thalassaemia có thể đạt 25% [5;7;9;12;14;19;21;22]. Việt Nam hiện khoảng có 5,12 triệu người mang gen ß-thalassaemia hoặc HbE. Mỗi năm có 100.000 trẻ mang gen bệnh và 1.700 trẻ mắc bệnh nặng do đột biến cả 2 gen được sinh ra [13]. Vì thế việc triển khai chẩn đoán đột biến gen ß-thalassaemia vào chăm sóc trước sinh là rất quan trọng. Từ 1/1/2007, Phòng
di truyền Bệnh Viện Từ Dũ đã triển khai thử nghiệm chẩn đoán di truyền phân tử đột biến gen ß-thalassaemia nhằm ứng dụng vào chẩn đoán trước sinh (CĐTS). Kết quả thử nghiệm chẩn đoán được báo cáo trong nghiên cứu này.Mục tiêu:Đánh giá hiệu quả thử nghiệm sàng lọc bằng phương pháp multiplex ARMSPCR và chẩn đoán xác định bằng ARMS-PCR các đột biến ß-thalassaemia từ 1/1/2007 – 30/6/2007 tại Bệnh Viện Từ Dũ. Phương pháp:các gia đình có tiền sử bệnh ß-thalassaemia đã được chẩn đoán trên lâm sàng và huyết học sẽ được sàng lọc và chẩn đoán xác định alen độtbiến bằng multiplex ARMS-PCR và ARMS-PCR với bệnh phẩm là tế bào máu ngoại vi hoặc tế bào dịch ối. Kết quả:có 26 trường hợp trong 8 gia đình đã được chẩn đoán tình trạng mang gen bệnh hoặc bị bệnh được giới thiệu đến Phòng Di Truyền Bệnh Viện Từ Dũ để chẩn đoán đột biến gen ß-globin, trong đó có 3 thai 18 tuần được chẩn đoán trước sinh. 27 phản ứng PCR đã được sử dụng, gồm 11 lần sàng lọc bằng multiplex ARMS-PCR và 16 lần chẩn đoán bằng ARMS-PCR. 33 alen đột biến đã được tìm thấy phù hợp với chẩn đoán lâm sàng, gồm 16 người và 3 thai hợp dị hợp tử mang 1 alen đột biến và 7 người dị hợp tử kép mang 2 alen đột biến khác nhau. Các alen được phát hiện đều thuộc nhóm 8 alen tầm soát. Không có trường hợp nào không tìm thấy alen đột biến. Kết luận:chiến lược tầm soát bằng multiplex ARMS-PCR và chẩn đoán xác đinh lại bằng ARMS-PCR 8 đột biến ß-thalassaemia giúp tiết kiệm rất nhiều tài nguyên và thời gian. 100% các trường hợp đều phát hiện được đột biến. Cần có một chương trình sàng lọc thalassaemia trước sinh phù hợp để chương trình chẩn đoán có hiệu quả và ý nghĩa cao hơn.
Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích