Chẩn đoán phân biệt bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu
Đôi khi gặp khó khăn, đặc biệt là có một số trường hợp rất khó phân biệt bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu hay bệnh Crohn.
Đặc điểm phân biệt giữa một số thể bệnh với viêm loét đại trực tràng chảy máu:
Trĩ
Loại trừ sau khi soi ống hậu môn.
Ung thư đại tràng
Loại trừ bằng nội soi ĐT và xét nghiệm mô bệnh học.
Viêm đại tràng cấp do vi khuẩn
Các viêm đại tràng nhiễm khuẩn thường khởi phát đột ngột, biểu hiện bằng đại tiện phân lỏng có máu, với đau là đặc điểm nổi bật. Có thể rất khó phân biệt với viêm loét đại trực tràng chảy máu giai đoạn khởi đầu. Một số trường hợp viêm đại tràng do vi khuẩn nặng cũng có thể có triệu chứng giống như phình giãn đại tràng nhiễm độc. Chẩn đoán phân biệt bằng cấy phân, soi phân tìm ký sinh trùng, ILISA với amip. Sinh thết trực tràng trong viêm đại tràng nhiễm khuẩn có hình ảnh thâm nhiễm rất nhiều bạch cầu đa nhân trung tính ở niêm mạc, mô đệm, các khe tuyến vẫn giữ cấu trúc bình thường là các đặc điểm để phân biệt với viêm loét đại trực tràng chảy máu.
+ Trong trường hợp lỵ trực khuẩn triệu chứng lâm sàng thường biểu hiện rầm rộ, cấp tính, sốt, cấy phân có thể mọc Shigella.
+ Lỵ amip khi soi phân thấy amip thể ăn hồng cầu, ELISA amip dương tính với hiệu giá kháng thể > 1/100. MBH thấy tinh thể Charcot Leyden với hình ảnh tổn thương viêm cấp tính.
+ Viêm đại tràng giả màng do vi khuẩn Clostridium dificile: trên hình ảnh nội soi thường chỉ có tổn thương ở đại tràng sigma và rất đặc trưng bởi các mảng màu vàng nhạt, bám rất chặt vào bề mặt niêm mạc đại tràng. Mô bệnh học cho thấy các dấu hiệu của viêm cấp và loét có giả mạc fibrin và chất hoại từ. Bệnh nhân thường có tiền sử dùng kháng sinh trước đó (trừ metronidazol và quinolon) hoặc nhiễm trùng bệnh viện.
Viêm đại tràng thiếu máu
Thường khởi phát đột ngột, bệnh nhân đau nhiều, hay gặp ở bệnh nhân nhiều tuổi, có bệnh lý mạch máu kèm theo.
Hội chứng ruột kích thích
Chẩn đoán theo tiêu chuẩn Rome II.
Lao ruột
Vị trí tổn thương thường ở phần cuối hồi tràng, cũng có thể gây tổn thương ở manh tràng và đại tràng lên. Trên hình ảnh nội soi có thể có loét lớn, hẹp, dò. Viêm u hạt trong lao ruột có thể không phân biệt được với Crohn, cần phải nuôi cấy tìm vi khuẩn lao và nhuộm tìm tự khuẩn kháng cồn toan. Mô bệnh học có thể thấy hình ảnh nang lao điển hình với chất hoại tử bã đậu, tế bào bán liên.
Bệnh Crohn
Có khoảng 10 – 20% không phân biệt được giữa Crohn và viêm loét đại trực tràng chảy máu.
Trong bệnh Crohn, thường là tổn thương ổ, gián đoạn, tổn thương sâu đến lớp cơ, tổn thương cả ở đại tràng và ruột non, dạ dày, tá tràng. Trong khi viêm loét đại trực tràng chảy máu có đặc điểm là tổn thương lan tỏa, liên tục, tổn thương nông không xâm lấn đến lớp cơ, chỉ tổn thương ở đại tràng.
Trên hình ảnh nội soi: đặc điểm đặc trưng là loét không liên tục. Giai đoạn sớm có hình ảnh loét áp tơ trên nền niêm mạc bình thường, giai đoạn sau có hình ảnh loét sâu nham nhở hình bản đồ, hoặc loét vòng, ranh giới rõ ràng, có thể có hình ảnh hẹp, dò. Hình ảnh sỏi vuộn chứng tỏ quá trình loét và hoại tử tía phát nhiều lần và kéo dài. Viêm loét đại trực tràng chảy máu thường không bao giờ dẫn đến tổn thương hẹp và dò như Crohn.
Bệnh lý quanh hậu môn (tổn thương da, hậu môn, ống hậu môn và dò) là 1 trong những đặc điểm tiêu biểu để phân biệt Crohn và viêm loét đại trực tràng chảy máu. Tổn thương quanh hậu môn ít gặp ở viêm loét đại trực tràng chảy máu nhưng hay gặp ở bệnh Crohn. Khoảng 20% bệnh nhân Crohn có tổn thương dò với dò hậu môn là hay gặp nhất. Tổn thương ở trực tràng hay gặp ở viêm loét đại trực tràng chảy máu, nhưng lại hiếm gặp ở Crohn.
Sinh thiết đại trực tràng có hình ảnh tổn thương viêm lympho, viêm hoạt động ổ, tổn thương sâu đến lớp cơ và có hình ảnh u hạt. U hạt rất đặc hiệu cho Crohn, nhưng chỉ gặp ở 5 – 24% trường hợp.
Bảng so sánh viêm loét đại trực tràng chảy máu và Crohn
Đặc điểm | VLĐTT chảy máu | Crohn |
Lâm sàng | ||
Sốt | Hay gặp | Thường gặp |
Đau bụng | Ít gặp hơn | Thường gặp |
ỉa lỏng | Rất hay gặp | Hay gặp |
Phân máu | Rất hay gặp | Hay gặp |
Sút cân | Hay gặp | Thường gặp |
Suy dinh dưỡng | Hay gặp | Thường gặp |
Khối ổ bụng | – | Hay gặp |
Bệnh quanh hậu môn | – | Thường gặp |
Chậm phát triển ở TE | Ít gặp | Thường gặp |
Vị trí tổn thương | ||
Đại tràng | Chỉ ở đại tràng | 2/3 trường hợp |
Hồi tràng | – | 2/3 trường hợp |
Hỗng tràng | – | Hiếm khi |
Dạ dày – HTT | – | Hiếm khi |
Thực quản | – | Hiếm khi |
Biến chứng | ||
Hẹp | Chưa được biết | Thường gặp |
Dò | – | Hay gặp hơn |
Phình giãn ĐT nhiễm độc | Thỉnh thoảng | – |
Thủng ruột | Chưa được biết | Ít gặp |
Ung thư | Thường gặp | Hay gặp |
Hình ảnh nội soi | ||
Dễ vụ, bở | Rất hay gặp | Hay gặp |
Loét áptơ và chạy dài | Không có | Thường gặp |
Hình ảnh sỏi cuội | Không có | Thường gặp |
Giả polyp | Thường gặp | Hay gặp |
Tổn thương trực tràng | Rất hay gặp | Hay gặp |
Đặc điểm XQ | ||
Phân bố tổn thương | Liên tục | Không liên tục, từng đoạn |
Loét | Nông, bề mặt | Sâu, tổn thương đến lớp cơ |
Dò | – | Thường gặp |
Hồi tràng | Viêm hồi tràng xoáy ngược | Hẹp, từng đoạn nhỏ |
Tắc nghẽn hay dò | Hiếm gặp | Thường gặp |
Tự KT trong máu | ||
pANCA | 70% | Ít gặp |
ASCA | Ít gặp | >50% |
BV Bạch Mai
Theo Benh.vn