Chẩn đoán trước sinh bệnh loạn dưỡng cơ Duchenne trên tế bào ối bằng phương pháp Multiplex pcr
Loạn dưỡng cơ Duchenne (Duchenne Muscular dystrophy (DMD)) là bệnh di truyền lặn liên kết nhiễm sắc thể X có tần số mắc cao nhất trong các bệnh cơ ở trẻ em. Những đột biến gen dystrophin là nguyên nhân gây ra bệnh [1]. Gen dystrophin nằm trên nhánh ngắn của nhiễm sắc thể X (Xp2.1) và là gen lớn nhất của người với chiều dài 3000 Kb, chứa 79 exon. Gen này phiên mã ra mARN 14 Kb và tổng hợp protein dystrophin tham gia vào cấu trúc và bảo vệ màng tế bào cơ [1]. Những bệnh nhân bị đột biến gen dẫn tới không tổng hợp được dystrophin làm cho màng tế bào cơ bị huỷ hoại khi co cơ, giải phóng creatine kinase (CK) vào máu hậu quả là gây nên các triệu chứng teo cơ, mất khả năng đi lại và chết trước tuổi trưởng thành vì tổn thương cơ tim và suy hô hấp [1].
Các nhà nghiên cứu trên thế giới đã nghiên cứu đột biến gen cho thấy, đột biến gen bao gồm các dạng: Mất đoạn là chủ yếu chiếm 50 – 65%,
nhân đoạn từ 2 – 7%, còn lại là đột biến điểm và chuyển đoạn. Các đột biến mất đoạn gen dystrophin thường tập trung vào 2 vùng “hot spots” còn gọi là điểm nóng hay xẩy ra mất đoạn: Vùng tận cùng 5 của gen từ exon 1 – 19 và vùng trung tâm của gen từ exon 43 – 60 [5, 6].
Đối với những bệnh di truyền tiên lượng nặng như bệnh DMD xu hướng chung của thế giới là phát hiện đột biến gen ở bệnh nhân, phát hiện đột biến gen cho những người nữ lành mang gen bệnh liên quan với bệnh nhân (carriers), tư vấn di truyền và áp dụng chẩn đoán trước sinh cho những gia đình với đột biến đã biết sẽ góp phần quan trọng vào việc phòng tránh sinh con bị bệnh DMD [5, 6, 8, 9].
Ở nước ta hiện nay các nhà nghiên cứu đang quan tâm áp dụng một số kỹ thuật di truyền phân tử để phát hiện các dạng đột biến gen ở các bệnh nhân di truyền và chẩn đoán trước sinh cho các gia đình với những đột biến đã biết. Các phương pháp chẩn đoán trước sinh phát hiện DNA phôi thai trong tế bào máu mẹ cũng đã được nghiên cứu [3], phương pháp phát hiện đột biến mất đoạn gen dystrophin ở bệnh nhân DMD bằng phương pháp multiplex PCR và phương pháp phát hiện người lành mang gen bệnh DMD (carriers) cũng đã được nghiên cứu và bắt đầu ứng dụng để giúp tư vấn di truyền cho các gia đình mang gen bệnh [2, 4].
Trong các dạng đột biến gen gây bệnh DMD, đột biến mất đoạn chiếm đa số. Vì vậy phát hiện đột biến mất đoạn ở bệnh nhân DMD và chẩn đoán trước sinh cho các bà mẹ đã sinh con bị bệnh DMD với đột biến mất đoạn đã trở nên nhu cầu cấp thiết và được quan tâm hàng đầu.
Để phát hiện đột biến mất đoạn gen dystro- phin các phòng thí nghiệm trên thế giới thường sử dụng tối thiểu từ 18 đến 25 cặp mồi để bao vây 18 đến 25 exon thuộc 2 vùng“ hot spots” để tăng khả năng phát hiện đột biến mất đoạn gen và chẩn đoán trước sinh đối với các gia đình có tiền sử sinh con bị bệnh DMD. Xuất phát từ thực tế trên, đề tài này nhằm 2
mục tiêu:
1. Hoàn chỉnh kỹ thuật Multiplex PCR với 25 cặp mồi của gen Dystrophin trên mẫu ADN chiết tách từ tế bào ối trực tiếp và qua nuôi cấy.
2. Chẩn đoán trước sinh cho các thai phụ có nguy cơ cao sinh con bị bệnh DMD dùng kỹ thuật Multiplex PCR .
I. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1. Đối tượng nghiên cứu
– Nhóm chứng: 20 thai phụ bình thường có thai từ tuần thứ 13 – 18 được chọc dò dịch ối để lấy mẫu.
– Nhóm bệnh: 2 thai phụ có tiền sử sinh con bị bệnh DMD được áp dụng chẩn đoán trước sinh và 2 bệnh nhân DMD của 2 gia đình này được phát hiện đột biến mất đoạn gen dystrophin.
Phương pháp nghiên cứu:
– Mỗi thai phụ được lấy 2 tuýp dịch ối, mỗi tuýp từ 6 → 8 ml (vô trùng và không lẫn máu) .
– Mỗi tuýp dịch ối được ly tâm 3000 vòng/ 15 phút để thu tế bào ối: Một tuýp tế bào được dùng để chiết tách ADN từ tế bào ối trực tiếp, một tuýp dùng để nuôi cấy sau 10 ngày thu hoạch và chiết tách ADN. ADN từ tế bào ối được chiết tách bằng phương pháp Qiagen kit, mẫu ADN sau khi chiết tách được đo OD260 nm và được kiểm tra độ tinh sạch bằng đo tỉ số mật độ quang OD260 nm/ OD280 nm và tính toán nồng độ ADN của mẫu.
– Sau đó các mẫu ADN từ tế bào ối trực tiếp và nuôi cấy được tiến hành phản ứng Multiplex PCR với 25 cặp mồi của gen dystrophin chia làm 3 tổ hợp phản ứng: (tổ hợp A) với 9 cặp mồi để tăng lượng 9 exon của gen dystrophin 45, 48, 19, 17, 51, 8, 12, 44, 4; (tổ hợp B) với 9 cặp mồi để tăng lượng vùng promoter cơ (Pm) và 8 exon tương ứng của gen dystrophin 3, 43, 50, 13, 6, 47, 60, 52; (tổ hợp C) với 7 cặp mồi để tăng lượng vùng promotor não (Pb) và 6 exon 49, 42, 41, 34, 32,
16. Các kỹ thuật trên được tiến hành tại bộ môn Y sinh học – Di truyền và Phòng Di truyền Phân tử bệnh viện Nhi Trung ương.
– 25 cặp mồi được thiết kế theo Chamberlain và Beggs năm 1990.
– Phản ứng Multiplex PCR được thực hiện trong thể tích 25 µl với các thành phần chính như sau: Buffer taq, dNTP, MgCl2, 1,25 unit Hot star Taq DNA polymerase, 100 ng ADN mẫu, primer mỗi loại, nước vừa đủ 25 µl.
– Phản ứng Multiplex PCR được thực hiện theo chương trình: khởi đầu là 950C /15 phút, tiếp theo là 35 chu kỳ: 950C /30 giây, 530C/30 giây, 650C/ 40 giây và cuối cùng là 650C kéo dài 10 phút. Các tổ hợp khác thì nhiệt độ gắn mồi thay đổi tuỳ từng tổ hợp. Sản phẩm PCR được chạy điện di trên gel agarose 3% và nhuộm ethidium bromid 0,5 µg/ml.
– Đọc kết quả dưới đèn tử ngoại UV, kết quả điện di sản phẩm PCR của các mẫu được đọc so với Marker thang chuẩn 100bp. Ở người nam bình thường hoặc thai nam bình thường trên hình ảnh điện di sẽ xuất hiện các băng đặc hiệu tương ứng với sản phẩm PCR của 23 exon và 2 vùng promotor cơ (Pm), promotor não (Pb). Ở bệnh nhân DMD hoặc thai nam đột biến mất đoạn exon nào sẽ không có băng đặc hiệu cho exon đó.
– Hai thai phụ có tiền sử sinh con bị bệnh DMD được chọc ối từ tuần thứ 15 và tuần thứ 18, các mẫu ADN từ tế bào ối của 2 thai phụ được chiết tách ADN.
+ 2 bệnh nhân DMD của 2 thai phụ được chiết tách ADN từ máu để phát hiện đột biến mất đoạn gen bằng phản ứng multiplex PCR với 25 cặp mồi.
+ Mẫu ADN của thai được sàng lọc bước 1 để xác định giới tính của thai bằng phương pháp multiplex PCR với 2 cặp mồi: cặp mồi DQ để tăng lượng một đoạn ADN kích thước 239/242 cặp bazơ (bp) trên nhiễm sắc thể số 6 có mặt ở cả người nam và nữ, cặp mồi TDF1 và TDF2 để tăng lượng vùng gen SRY (Sex determining region Y gene) kích thước 139 bp có gen TDF biệt hoá tinh hoàn (testis determining factor). Kết quả PCR được điện di trên gel agarose 1,5% và nhuộm gel bằng Ethidium bromide 0,5 µg/ml, rồi đọc dưới đèn cực tím, nếu là thai nam sẽ xuất hiện 2 băng đặc hiệu 139 bp cho vùng gen SRY có chứa gen biệt hoá tinh hoàn (TDF) và băng 239/ 242 cặp bazơ cho HLA – DQ. Nếu là thai nữ sẽ chỉ xuất hiện băng 239/242 bp đặc hiệu cho HLA – DQ∝ ở người.
Nếu là thai nam sẽ tiến hành bước 2: dùng phương pháp Multiplex PCR với 25 cặp mồi, tiến hành song song với mẫu ADN từ máu bệnh nhân của gia đình này. Nếu mất đoạn gen được phát hiện ở bệnh nhân thì mẫu ADN của thai được so sánh với ADN của bệnh nhân và rút ra kết luận thai bình thường hay thai đột biến giống bệnh nhân của gia đình và tư vấn cho gia đình dựa trên kết quả xét nghệm phân tích ADN.
Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích