CHẤT LƯỢNG 8 VỊ THUỐC BỐ THƯỜNG DÙNG TẠI MỘT SỐ BỆNH VIỆN Y HỌC CỔ TRUYỀN Ở HÀ NỘI
Nền y học cổ truyền (YHCT) của nước ta có một lịch sử phát triển lâu dài và phong phú. Từ xưa, ông cha ta đã biết sử dụng nguồn dược liệu quý giá của đất nước để phòng bệnh và chữa bệnh.
Hiện nay, thuốc cổ truyền (TCT) ngày càng được sử dụng rộng rãi trên thế giới. TCT không những có tác dụng chữa bệnh tốt mà còn có tác dụng điều hòa, cân bằng sự hoạt động của các cơ quan, bộ phận trong cơ thể để duy trì sức khỏe, bảo vệ và kéo dài cuộc sống [6].
Chất lượng TCT là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định hiệu quả điều trị. Hiện nay tiêu chuẩn hóa chất lượng dược liệu chủ yếu theo dược điển Việt Nam IV (DĐVN IV) nên tại các cơ sở khám chữa bệnh YHCT phương pháp đánh giá chất lượng dược liệu chủ yếu dựa vào cảm quan [3]. Những thông báo gần đây về chất lượng dược liệu trên thị trường cho thấy số mẫu dược liệu và chế phẩm TCT lấy kiểm tra không đạt một số tiêu chuẩn chất lượng ở mức cao [4]. Chính vì vậy, việc tìm hiểu thực trạng chất lượng và tình hình sử dụng TCT là rất cần thiết. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có các nghiên cứu đánh giá về chất lượng và tình hình sử dụng thuốc tại các bệnh viện Y học cổ truyền tại Hà Nội. Nhằm giúp các nhân viên y tế, các nhà quản lý ngành y tế có thêm thông tin về chất lượng và tình hình sử dụng TCT ở các cơ sở khám chữa bệnh chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: “Khảo sát thực trạng chất lượng 8 vị thuốc bổ tại 3 bệnh viện YHCT ở Hà Nội” với 3 mục tiêu: 1. Mô tả đặc điểm của 8 vị thuốc bổ thường dùng. 2. Đánh giá định tính một số chỉ tiêu chất lượng 8 vị thuốc bổ thường dùng. 3. Đánh giá định lượng một số chỉ tiêu chất lượng 8 vị thuốc bổ thường dùng.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP
1. Đối tượng
Gồm có 8 vị thuốc sau: Bạch thược, Cam thảo, Câu kỷ tử, Đảng sâm, Đương Quy, Hà thủ ô đỏ, Hoài sơn, Hoàng kỳ được lấy mẫu tại 3 bệnh viện YHCT của Hà Nội: bệnh viện Đa khoa YHCT Hà Nội, bệnh viện Đa khoa YHCT Hòe Nhai, bệnh viện YHCT Hà Đông.
2. Phương pháp
Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang, kết hợp cả định tính và định lượng, hồi cứu một số thông tin và số liệu.
Cỡ mẫu: Chúng tôi dùng phương pháp chọn cỡ mẫu có chủ đích:
Bệnh viện Đa khoa YHCT Hòe Nhai, bệnh viện Đa khoa YHCT Hà Nội, bệnh viện YHCT Hà Đông: có địa điểm phân bố ở 3 khu vực khác nhau tại Hà Nội.
Đối với các vị thuốc bổ: Chúng tôi chọn 8 vị thuốc trên để khảo sát vì đây là các vị thuốc bổ thường dùng nếu chất lượng không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến người dùng.
Nguyên liệu
– Dược liệu nghiên cứu: 8 vị thuốc bổ Bạch thược, Cam thảo, Câu kỷ tử, Đảng sâm, Đương Quy, Hà thủ ô đỏ, Hoài sơn, Hoàng kỳ
– Hóa chất: Các loại hóa chất sử dụng để kiểm nghiệm: Đạt tiêu chuẩn tinh khiết phân tích theo phụ lục 2.1 DĐVN IV.
– Máy móc thiết bị: Đủ dùng cho kiểm nghiệm.
Địa điểm nghiên cứu: Các mẫu nghiên cứu được thu thập, mã hóa, mô tả và gửi đi kiểm nghiệm tại:
– Bộ môn Dược học cổ truyền Đại học Dược Hà Nội.
– Viện kiểm nghiệm thuốc Việt Nam.
Phương pháp đánh giá chất lượng dược liệu: Các mẫu dược liệu được nghiên cứu về tính đúng và chất lượng theo chuyên luận của Dược Điển Việt Nam IV: mô tả, vi phẫu, soi bột, định tính bằng phản ứng hóa học, sắc ký lớp mỏng, các phép thử tinh khiết, xác định hàm lượng chất chiết được và định lượng hoạt chất trong dược liệu, kim loại nặng.
Xử lý kết quả: thuật toán thống kê Y sinh học, phần mềm Microsoft Excel.
Thời gian nghiên cứu: từ tháng 9/2010 đến tháng 4/2011.
Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích