CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG CỦA NGƯỜI CAO TUỔI XÃ CAM HÒA, HUYỆN CAM LÂM, TỈNH KHÁNH HÒA, NĂM 2020
CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG CỦA NGƯỜI CAO TUỔI XÃ CAM HÒA, HUYỆN CAM LÂM, TỈNH KHÁNH HÒA, NĂM 2020
Hồ Phan Uyên1, Diệp Từ Mỹ1, Trần Thị Tuyết Nga1
TÓM TẮT :
Đặt vấn đề: Y văn cho thấy chất lượng cuộc sống (CLCS) có mối liên hệ chặt chẽ đến tuổi già và tình trạng sức khỏe. Ngoài ra, phần lớn người cao tuổi ở Việt Nam hiện đang sống ở nông thôn (72,9%) mặc dù phần lớn con cái của họ đã di cư ra thành thị để có cơ hội việc làm tốt. Vì vậy, việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc người cao tuổi ngày càng tăng ở Việt Nam là vô cùng quan trọng. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá CLCS của người cao tuổi tại xã Cam Hòa, một vùng nông thôn thuộc duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam.
Mục tiêu: Xác định điểm số CLCS trung bình ở người cao tuổi tại xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa và các yếu tố liên quan.
Đối tượng – Phương pháp: Nghiên cứu cắt ngang được thực hiện trên 228 người từ 60 tuổi trở lên trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2020. Dữ liệu được thu thập bằng phỏng vấn trực tiếp bằng bộ câu hỏi WHOQol-OLD đánh giá CLCS người cao tuổi trên 6 lĩnh vực (“Giác quan”, “Tự chủ”, “Cái chết”, “Hoạt động quá khứ, hiện tại, tương lai”, “Hoạt động xã hội”, “Tình thương”).
Kết quả: Điểm số trung bình CLCS chung của người cao tuổi là 66,1 ± 10,9 điểm. Những yếu tố đặc điểm dân số – xã hội như tuổi, giới tính, trình độ học vấn, tình trạng hôn nhân, tình trạng kinh tế và các yếu tố tinh thần như tham gia hoạt động xã hội, sự quan tâm của con cháu, niềm tin vào cộng đồng địa phương, sự gắn kết/hỗ trợ trong cộng đồng địa phương có ảnh hưởng tới điểm số CLCS của người cao tuổi.
Kết luận: Sự suy giảm của niềm tin và sự gắn kết/ hỗ trợ trong cộng đồng địa phương làm giảm CLCS của người cao tuổi.
Già hóa dân số phản ánh quá trình chuyển đổi cơ cấu dân số theo hướng tăng tỷ trọng dân số già, được thể hiện qua chỉ số già hóa (tỉ số giữa dân số từ 60 tuổi trở lên so với dân số dưới 15 tuổi tính theo phần trăm). Già hóa dân số là một trong những xu hướng quan trọng nhất của thế kỷ 21, phản ánh sự phát triển kinh tế – xã hội và những tiến bộ trong hệ thống chăm sóc sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật, nâng caotuổi thọ của loài người. Không nằm ngoài xu hướng già hóa dân số toàn cầu, già hóa dân số ở Việt Nam đang diễn ra nhanh với chỉ số già hóa là 48,8%, tăng 13,3 điểm phần trăm so với năm 2009 và tăng hơn gấp đôi so với năm 1999(1). Chỉ số già hóa có xu hướng tiếp tục tăng lên trong những năm sắp tới.
https://thuvieny.com/chat-luong-cuoc-song-cua-nguoi-cao-tuoi/