Chảy máu liên quan đến điều trị tiêu huyết khối
Biểu hiện lâm sàng
Chảy máu sau điều trị tiêu fibrin có biểu hiện lâm sàng rất biến đổi, từ tình trạng khiếm khuyết thần kinh xẩy ra đột ngột (chảy máu nội sọ) đến tình trạng mất một thể tích máu lớn (như trong chảy máu đường tiêu hoá) hay giảm sút dần dần hemoglobin mà không có bằng chứng chảy máu rõ rệt.
Các nguồn gốc mất máu ẩn phải luôn được xem xét, như một chảy máu vào khoang sau phúc mạc, vào vùng đùi (thường liên quan với chọc tĩnh mạch hay động mạch đùi ), hoặc vào phúc mạc hay lồng ngực.
Đánh giá cận lâm sàng
Tăng thời gian thrrombin và PTT giúp nhận diện tình trạng tiêu sợi huyết kéo dài; Tuy vậy, cả hai thời gian này bị kéo dài khi đang dùng heparin.
Kéo dài thời gian reptilase giúp nhận diện tình trạng tiêu sợi huyết kéo dài khi đang dùng heparin.
Giảm nồng độ fibrinogen trong tình trạng tiêu fibrin sẽ được phản ánh bằng tăng PTT, thời gian thrombin hay thời gian reptilase. Nồng độ fibrinogen sau truyền máu là một chỉ dẫn hữu ích cho đáp ứng đối với điều trị bồi phụ các yếu tố đông máu.
Tăng các sản phẩm giáng hoá fibrin giúp khẳng định có tình trạng tiêu fibrin.
Thời gian chảy máu như một chỉ dẫn chức năng tiểu cầu, có thể là một hướng dẫn hữu ích đối với điều trị bồi phụ tiểu cầu, nếu bệnh nhân có thời gian chảy máu kéo dài mặc dù đã bồi phụ các yếu tố đông máu bằng chất kết tủa lạnh và huyết tương tươi đông lạnh.
Xử trí
Ngừng dùng ngay chất gây tan cục huyết khối, aspirin, và heparin, và xét dùng protamin để trung hoà tác dụng của heparin.
Đặt 2 catheter khẩu kính lớn vào tĩnh mạch để bồi phụ thể tích tuần hoàn. Nếu có thể, ấn tại chỗ đối với các vị trí chảy máu.
Gửi các mẫu máu để xét nghiệm PT/PTT, fibrinogen và thời gian thrombin. Kiểm tra thời gian reptilase nếu bệnh nhân đang dùng heparin.
Bệnh nhân phải được định nhóm máu và làm phản ứng chéo do có thể cần phải truyền máu cấp cứu.
Truyền máu
Chất kết tủa lạnh (10 đơn vị trong vòng 10 min) nên được truyền như biện pháp đầu tay để điều chỉnh tình trạng tiêu fibrin. Có thể cần truyền máu nhắc lại tới khi nồng độ fibrinogen > 100 mg/dl hay đạt được tình trạng cầm máu thoả đáng.
Truyền huyết tương tươi đông lạnh cũng rất quan trọng để bồi phụ các yếu tố VIII và V. Tuỳ mức độ chảy máu, cần áp dụng môt cách thận trọng điều trị truyền máu để tránh tăng gánh thể tích. Nếu tình trạng chảy máu tiếp tục sau khi đã bồi phụ yếu tố kết tủa lạnh và huyết tương tươi đông lạnh, kiểm tra thời gian chảy máu và xét truyền tiểu cầu nếu thời gian chảy máu kéo dài > 9 min. Nếu thời gian chảy máu < 9min, khi đó thuốc chống tiêu fibrin có lẽ nên được dùng.
Thuốc chống tiêu fibrin
Acid aminocaproic (EACA) ức chế gắn của plasmin với fibrin và plasminogen với fibrinogen. Xét dùng thuốc này khi bồi phụ lại các yếu tố đông máu không đủ để đạt được tình trạng cầm máu thoả đáng. Nguy cơ tiềm tàng là bị các biến chứng huyết khối nghiêm trọng.
Liều tấn công: 5g hay 0,1 g/kg truyền tĩnh mạch (pha trong 250 ml NaCl 0,9%) trong vòng 30-60 min, sau đó là truyền liên tục tốc độ 0,5-1,0 g/h tới khi kiểm soát được tình trạng chảy máu. Cần sử dụng một cách thận trọng trong chảy máu đường tiết niệu trên do nguy cơ gây tắc nghẽn đường dẫn tiểu. Chống chỉ định trong DIC.
Nếu tình trạng chảy máu bị nghi vấn trên cơ sở thấy giảm hemoglobin song không có các bằng chứng mất máu rõ rệt: Các nguồn gốc ấn phải được xem xét như khoang sau phúc mạc, đùi (thường liên quan với chọc động mạch hay tĩnh mạch bẹn), chảy máu vào các khoang rỗng của cơ thể (phúc mạc, lồng ngực).