CHI PHÍ Y TẾ VÀ ĐỘ BAO PHỦ BẢO HIỂM Y TẾ ẢNH HƯỞNG ĐẾN VIỆC SỬ DỤNG CÁC DỊCH VỤ Y TẾ NHÓM CẬN NGHÈO
CHI PHÍ Y TẾ VÀ ĐỘ BAO PHỦ BẢO HIỂM Y TẾ ẢNH HƯỞNG ĐẾN VIỆC SỬ DỤNG CÁC DỊCH VỤ Y TẾ NHÓM CẬN NGHÈO TẠI THÀNH PHỐ VỊ THANH TỈNH HẬU GIANG
Nguyễn Bích Hà*, Phùng Đức Nhật*, Nguyễn Thị Thùy*, Mai Tiến Thành*
TÓM TẮT :
Đặt vấn đề: Người dân hộ cận nghèo đang được ngân sách hỗ trợ từ 50% – 70% để mua bảo hiểm y tế (BHYT). Chi phí y tế có thể chiếm một phần đáng kể trong chi tiêu của hộ gia đình và BHYT có thể ảnh hưởng tới lựa chọn sử dụng các dịch vụ y tế của nhóm này.
Mục tiêu: Xác định chi phí y tế và tỷ trọng của nó trong chi tiêu gia đình, độ bao phủ BHYT và ảnh hưởng của BHYT đến việc sử dụng dịch vụ y tế của người dân hộ cận nghèo tại Tp.Vị Thanh tỉnh Hậu Giang.
Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang mô tả. Lấy mẫu cụm, được 328 hộ cận nghèo. Phỏng vấn người đại diện hộ cận nghèo về tham gia BHYT, sử dụng dịch vụ y tế, chi phí y tế của các thành viên trong gia đình trong 6 tháng vừa qua so với thời điểm điều tra vào tháng 7/2012.
Kết quả: Có 95,7% hộ cận nghèo có chi trả chi phí y tế. Chi phí y tế trực tiếp có trung vị là 700.000 đồng/hộ/6 tháng, khoảng tứ vị (KTV) 200.000 – 1.700.000 đồng; chi phí phi y tế trực tiếp là 200.000 đồng/hộ/6 tháng, KTV 100.000 – 701.000 đồng; tổng chi phí trực tiếp chiếm 4,78%; tổng chi phí hộ gia đình (KTV 1,66 – 13,73%). Tỷ lệ hộ gia đình có chi phí thảm họa là 6,1%. Tỷ lệ hộ gia đình có tham gia BHYT là 69,5% và tính theo đầu người có BHYT là 40,8%. Bao phủ BHYT có ảnh hưởng đến sự lựa chọn dịch vụ y tế với nơi khám chữa bệnh (KCB) là cơ quan y tế công cao hơn ở người có BHYT (tỷ lệ 65,39%); người không có BHYT có tần số chọn tự mua thuốc điều trị và phòng mạch tư cao hơn (tỷ lệ 77,38%); khác biệt có ý nghĩa thống kê, p<0,001. Nơi đến KCB bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất là bệnh viện Tp.Vị Thanh (28%), kế đến là phòng mạch tư (18,4%), còn tỷ lệ tới KCB ở tuyến tỉnh Hậu Giang chỉ 9,5% và tuyến tỉnh thành phố khác hoặc trung ương chỉ 2,8% trên tổng số lượt KCB.Người có tham gia BHYT thì khi điều trị bệnh nội trú phần lớn đều sử dụng BHYT (91,2%), trong khi khám bệnh ngoại trú tỷ lệ này là 56,9%. Những trường hợp bệnh nhẹ và thông thường thì người bệnh chỉ mua thuốc tự điều trị hoặc không điều trị (33,8%).
Kết luận: Tỷ lệ bao phủ BHYT cho từng cá nhân thuộc hộ cận nghèo có cao hơn trước nhưng còn ở mức thấp hơn tỷ lệ chung. Cần tăng cường các biện pháp để họ tiếp cận và có điều kiện mua được BHYT cho tất cả các thành viên trong gia đình cũng như được tuyên truyền để giảm các hành vi tự điều trị bệnh, tăng sử dụng BHYT khi KCB đúng tuyến.
Hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn, cũng như mở ra con đường nghiên cứu, tiếp cận được luồng thông tin hữu ích và chính xác nhất