Cổ trướng, nguyên lý nội khoa
Định nghĩa
Tích luỹ dịch trong ổ phúc mạc. Lượng ít có thể không gây ra triệu chứng; lượng tăng dần có thể gây khó chịu và chướng bụng, chán ăn, buồn nôn, no sớm, ợ nóng, đau bên sườn và khó thở.
Khám lâm sàng
Bụng bè ra, dấu sóng vỗ, gõ đục vùng thấp, “dấu vũng nước” (gõ đục trên vùng bụng phụ thuộc khi BN nằm chống khuỷu và gối). Có thể liên quan đến phù dương vật hoặc thắt lưng, thoát vị rốn hoặc bẹn, tràn dịch màng phổi.
Đánh giá nên gồm khác trực tràng và khung chậu, khám gan và lách. Lòng bàn tay son và sao mạch thấy được trong xơ gan. Nốt quanh rốn (nốt Sister Mary Joseph) gợi ý các u di căn từ vùng chậu hoặc đường tiêu hoá.
Siêu âm/CT
Rất nhạy; có thể phân biệt được dịch với u nang.
Đánh giá
Chọc dịch màng bụng chẩn đoán (50-100 mL). Đánh giá thường quy gồm khám toàn diện, protein, albumin, glucose, đếm và phân biệt tế bào, nhuộm Gram và nhuộm kháng acid, nuôi cấy, tế bào học; một số ca cần kiểm tra amylase, LDH, triglycerides, nuôi cấy tìm lao. Hiếm hơn, cần thiết phải nội soi ổ bụng và mổ thám sát. Cổ trướng do suy tim sung huyết (vd, co thắt màng ngoài tim) có thể cần đánh giá bằng cách đặt catheter trong buồng tim phải.
Chẩn đoán phân biệt
Trên 90% ca là do xơ gan, u, suy tim sung huyết, lao.
Bệnh ở phúc mạc: Nhiễm trùng (vi khuẩn, lao, nấm, ký sinh trùng), u, bệnh mô liên kết, khác (bệnh Whipple, sốt Địa Trung Hải gia đình, lạc nội mạc tử cung, viêm phúc mạc dính, vv).
Bệnh không liên quan đến phúc mạc: Xơ gan, suy tim sung huyết, hội chứng Budd-Chiari, tắc nghẽn TM gan, giảm albumin máu (hội chứng thận hư, bệnh lý ruột mất protein, suy dinh dưỡng), khác (phù niêm, bệnh ở buồng trứng, bệnh ở tuỵ, báng bụng dưỡng chấp).
Phân loại sinh lý bệnh sử dụng độ chênh albumin trong huyết thanh và dịch báng (SAAG).
Sự khác nhau giữa nồng độ albumin trong huyết thanh và dịch báng phản ánh tình trạng mất cân bằng của áp lực thuỷ tĩnh và có thể được sử dụng để phân biệt các nguyên nhân gây ra báng bụng (hình).
Hình. Lưu đồ chẩn đoán cổ trướng dựa vào độ chênh albumin huyết thanh-dịch báng (SAAG).