ĐẶC ĐIỂM BỆNH NHÂN CHẤN THƯƠNG CỘT SỐNG CỔ CAO TẠI BỆNH VIỆN TWQĐ 108
ĐẶC ĐIỂM BỆNH NHÂN CHẤN THƯƠNG CỘT SỐNG CỔ CAO TẠI BỆNH VIỆN TWQĐ 108
Trần Huy Hùng1, Ngô Chí Công1, Đinh Gia Khánh1
1 Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Đặt vấn đề: Chấn thương cột sống cổ là chấn thương thường gặp, có thể để lại hậu quả nặng nề. Cột sống cổ cao có độ linh hoạt và ảnh hưởng rất lớn đến nhiều chức năng sống. Tuy nhiên, các đặc điểm của chấn thương cột sống cổ cao còn nghèo nàn, chẩn đoán khó khăn, dễ bỏ sót tổn thương. Đối tượng và phương pháp; Thiết kế nghiên cứu theo phương pháp mô tả cắt ngang, hồi cứu kết hợp tiến cứu trên 33 bệnh nhân được chẩn đoán chấn thương cột sống cổ cao tại Khoa cấp cứu – Bệnh viện TWQĐ 108 trong thời gian từ 04/2018 – 04/2021. Kết quả: Nguyên nhân chủ yếu là tai nạn giao thông (63.6%) và chủ yếu gặp ở nam giới (84.8%), đa số trong lứa tuổi lao động (34.2 ± 15.3). Tất cả các bệnh nhân đều có đau cổ, hạn chế vận động chiếm đa số (87.8%). Các triệu chứng thực thể hay gặp là rối loạn cảm giác (39.3%), liệt vận động (36.3%). VAS trung bình là 5.54 ± 1.6. Tỷ lệ hình thái tổn thương hay gặp nhất là gãy C2 (66.67%). Kết luận; Chấn thương cột sống cổ cao chủ yếu gặp ở nam giới, trong lứa tuổi lao động, nguyên nhân chủ yếu do tai nạn giao thông. Đặc điểm lâm sàng chính là đau và hạn chế vận động vùng cổ, rối loạn cảm giác. Tổn thương thường gặp nhất là gãy C2.
Cột sống cổ là điểm tiếp nối giữa đầu và cơ thể người, vừa mềm dẻo, vừa vững chắc và bảo vệ tủy sống ở bên trong. Cột sống cổ cao bao gồm C0 (lồi cầu chẩm), C1 (đốt đội), C2 (đốt trục) và hệ thống dây chằng. Chấn thương cột sống cổ cao là những chấn thương vùng C0-C2 hay còn gọi là vùng bản lề cổ chẩm [1]. Chấn thương cột sống cổ là chấn thương thường gặp, chiếm khoảng 6% trong tất cảnhững trường hợp đa chấn thương, 40% trường hợp có tổn thương thần kinh, có thể để lại hậu quả nặng nề như tổn thương thần kinh không hổi phục, thậm chí tử vong. Theo thống kê ở Mỹ hàng năm có hơn 11000 người bị chấn thương cột sống, tử vong trước khi vào viện là 4800 người. Tần suất gặp chấn thương cột sống ở Mỹ là 53.4 người/1 triệu dân, ở pháp là 20 người/ 1triệu dân. Nguyên nhân do tai nạn giao thông, tai nạn lao động và hay gặp ở các nước đang phát triển [2]. Cột sống cổ cao rất linh hoạt về mặt chức năng, được liên hệ với nhau bởi hệ thống dây chằng và diện khớp phức tạp do vậy các hình thái tổn thương cũng đa dạng và phức tạp [3].Triệu chứng lâm sàng chấn thương cột sống cổ cao thường nghèo nàn, dễ bỏ sót và nhầm lẫn với triệu chứng cột sống cổ thấp làm chậm các chỉ định điều trị, dẫn đến những di chứng nặng nề về sau cho bệnh nhân. Tỷ lệ bỏ sót tổn thương cột sống cổ cao là 60-70%, một con số đáng báo động [1]. Vì vậy, với những đặc điểm trên, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài này đánh giá và mô tả lại những đặc điểm của bệnh nhân chấn thương cột sống cổ cao.
Chi tiết bài viết
Từ khóa
Chấn thương cột sống cổ, cột sống cổ cao
Tài liệu tham khảo
1. Herkowitz, H.N., et al., Rothman-Simeone The Spine E-Book: Expert Consult. Vol. 1. 2011: Elsevier Health Sciences.
2. Nguyễn Trọng Hiếu và cs, Đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng chấn thương cột sống cổ C1-C2, Tạp chí Y học thực hành, số 9/2011, tr.77 – 79.
3. Nguyễn Viết Lực, Nguyễn Lê Bảo Tiến, và cs., Đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh nhân chấn thương cột sống cổ cao, Tạp chí Y học Việt Nam, số 2 – 2021, tr 207 -209.
4. Hà Kim Trung, Nghiên cứu chẩn đoán và phẫu thuật chấn thương cột sống cổ có tổn thương thần kinh tại Bệnh viện Việt Đức, Luận án Tiến sĩ y học, Đại học Y Hà Nội, 2005.
5. Vũ Văn Cường, Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật harms cải tiến trong điều trị chấn thương mất vững C1-C2. Luận án Tiến sĩ Y học, Đại học Y Hà Nội, 2018.
Nguồn: https://luanvanyhoc.com