ĐẶC ĐIỂM CHUYỂN DẠ CỦA CÁC TRƯỜNG HỢP MỔ LẤY THAI VÌ CHUYỂN DẠ ĐÌNH TRỆ TẠI BỆNH VIỆN QUÂN Y 175
ĐẶC ĐIỂM CHUYỂN DẠ CỦA CÁC TRƯỜNG HỢP MỔ LẤY THAI VÌ CHUYỂN DẠ ĐÌNH TRỆ TẠI BỆNH VIỆN QUÂN Y 175
Nguyễn Thị Huyền Trang1, Nguyễn Hồng Hoa2
TÓM TẮT :
Đặt vấn đề: Năm 2014, Hiệp hội y học bà mẹ và thai nhi (SMFM) và hiệp hội sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) đã đưa ra khuyến cáo mới về tiêu chuẩn chẩn đoán chuyển dạ đình trệ (CDĐT), với mục tiêu giảm tỉ lệ mổ lấy thai (MLT). Từ tháng 7 năm 2019, bệnh viện quân y 175 áp dụng tiêu chuẩn chẩn đoán CDĐT mới.
Mục tiêu: Khảo sát đặc điểm chuyển dạ của các trường hợp MLT vì CDĐT theo tiêu chuẩn mới và so sánh một số đặc điểm, kết cục mẹ – con với nhóm MLT vì CDĐT theo tiêu chuẩn cũ.
Đối tượng và Phương pháp nghiên cứu: Báo cáo loạt ca hồi cứu. Nghiên cứu các sản phụ đến sinh tại BVQY, mô tả đặc điểm chuyển dạ của 27 sản phụ với nhóm MLT vì CDĐT theo tiêu chuẩn mới của ACOG – SMFM với thời gian sinh từ 1/7/2019 đến 31/5/2020. Đồng thời, ghi nhận kết cục mẹ – con của các sản phụ MLT vì CDĐT theo tiêu chuẩn cũ của ACOG 2009 (nhóm 1) từ 1/7/2018 đến 31/5/2019, từ đó so sánh với kết cục me-con của nhóm theo tiêu chuẩn mới (nhóm 2).
Kết quả: Từ 1/7/2019 đến 31/5/2020, chúng tôi thu nhập được 27 sản phụ đơn thai ≥37 tuần – ngôi đầu – không dị tật thai, mổ lấy thai vì CDĐT theo tiêu chuẩn mới của ACOG – SMFM. Đặc điểm chuyển dạ của nhóm này: 33,3% có sử dụng Oxytocin trước khi MLT, 11,1% MLT ở giai đoạn 2 của chuyển dạ, kiểu thế sau và ngang chiếm tỉ lệ cao nhất 70,4%. So sánh nhóm MLT vì CDĐT theo tiêu chuẩn cũ (nhóm 1) và mới (nhóm 2): tỉ lệ MLT giảm từ 7,33% xuống còn 3,22% (OR=0,41, p=0,001), MLT ở con so giảm từ 16,9% xuống 6,36% (OR=0,33, p <0,001), MLT ở con rạ giảm từ 3,59% xuống 1,61% (OR=0,43, p <0,05), và kết cục mẹ con không có sự khác biệt giữa 2 nhóm.
Kết luận: Áp dụng tiêu chuẩn mới của ACOG – SMFM làm giảm tỉ lệ mổ lấy thai với kết cục mẹ – con không có sự khác biệt so với ACOG 2009.
Chuyển dạ đình trệ (CDĐT) hay chuyển dạ ngưng tiến triển gồm chuyển dạ kéo dài và chuyển dạ tắc nghẽn. Mổ lấy thai (MLT) vì CDĐT chiếm tỉ lệ 34% ở Hoa Kỳ, cao nhất trong nhóm MLT lần đầu(1). Ở Việt Nam, nghiên cứu về tỉ lệ MLT ở nhóm sản phụ con so, đơn thai từ 37 tuần trở lên tại BV đa khoa tỉnh Đắklắk và BV Hùng Vương cho kết quả nhóm nguyên nhân MLT vì CDĐT lần lượt là 54,78% và 58,5%(2,3). Với mục tiêu giảm tỉ lệ MLT, năm 2014 Hiệp hội y học bà mẹ và thai nhi (SMFM) và hiệp hội sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) đã đưa ra khuyến cáo mới về tiêu chuẩn chẩn đoán CDĐT(1). Ở giai đoạn 1 chuyển dạ, cổ tử cung mở ≥6 cm, ối đã vỡ, cổ tử cung không thay đổi sau 4 giờ với cơn co tử cung đủ (hoạt độ tử cung >200 Montevideo) hoặc sau 6 giờ chỉnh cơn co tử cung bằng Oxytocin với cơn co tử cung không đủ. Giai đoạn 2 chuyển dạ, không giảm đau ngoài màng cứng, CDĐT ở sản phụ con so nếu >3 giờ, sản phụ con rạ >2 giờ và cộng thêm một giờ nếu có giảm đau ngoài màng cứng.
ĐẶC ĐIỂM CHUYỂN DẠ CỦA CÁC TRƯỜNG HỢP MỔ LẤY THAI VÌ CHUYỂN DẠ ĐÌNH TRỆ TẠI BỆNH VIỆN QUÂN Y 175