Đặc điểm giải phẫu sinh lý động mạch vành
Tim là khối cơ rỗng, là cơ quan trung tâm đảm bảo chức năng bơm máu của hệ tuần hoàn, cơ tim được cấp máu, ôxy và chất dinh dưỡng thông qua hệ thống động mạch vành.
Hầu hết các trường hợp động mạch (ĐM) liên thất trước và động mạch mũ được tách ra từ một thân chung. Vì vậy hệ động mạch vành (ĐMV) được mô tả gồm: Động mạch vành phải và động mạch vành trái.
Các động mạch vành là các mạch tận, mỗi một nhánh cấp máu cho một vùng, vòng nối giữa các nhánh thường rất nghèo nàn và các vòng nối này chỉ phát triển khi hẹp động mạch vành tiến triển từ từ.
Hai động mạch vành được tách ra từ động mạch chủ lên bởi 2 lỗ ở khoảng 1/3 trên của các xoang Valsalva, ngay phía dưới bờ tự do của lá van tổ chim tương ứng, ở thì tâm thu.
Động mạch vành trái xuất phát từ lỗ vành trái, kích thước lỗ vành trái khoảng 3 – 5mm, nằm ở 1/3 trên của xoang Valsalva trái, rồi chạy giữa thân động mạch phổi và nhĩ trái, đoạn động mạch này gọi là thân chung động mạch vành trái. Sau đó nó chia ra thành 2 nhánh: động mạch liên thất trước và động mạch mũ. Động mạch liên thất trước cấp máu cho 45 – 55% thất trái, động mạch mũ cấp máu cho 15 – 25% thất trái.
Động mạch vành phải xuất phát từ lỗ động mạch vành phải trong xoang Valsalva phải, chạy vòng sang phải trong rãnh nhĩ – thất phải để ra sau, tới phần đầu rãnh liên thất sau, nơi giao điểm của 4 rãnh tim thì chia ra thành hai nhánh tận: nhánh liên thất sau và nhánh sau thất trái. Động mạch vành phải cấp máu cho thất phải và 25 – 35% thất trái.
Về mặt đại thể tuần hoàn vành không có vòng nối, tuy nhiên luôn tồn tại vòng nối giữa các nhánh của một thân hoặc giữa hai thân động mạch vành. Các vòng nối này được gọi là tuần hoàn bàng hệ của động mạch vành, khi tuần hoàn vành bình thường thì các vòng nối không mở, khi có hẹp hoặc tắc một nhánh hoặc một thân, hệ bàng hệ mở ra nhằm tưới máu cho vùng cơ tim bị thiếu máu tương ứng.
Lưu lượng máu của hệ động mạch vành tỷ lệ thuận với áp lực tưới máu vành và tỷ lệ nghịch với áp lực xuyên thành buồng tâm thất.
Lưu lượng máu mạch vành không thay đổi khi áp lực trong động mạch vành dao động từ 60 – 140mmHg, nhờ cơ chế tự điều hoà do hệ thần kinh kinh phó giao cảm chi phối và một số yếu tố như nhu cầu ôxy cơ tim, nồng độ CO2 trong máu động mạch.