ĐẶC ĐIỂM HẬU PHẪU CÁC TRƯỜNG HỢP BẤT THƯỜNG HỒI LƯU TĨNH MẠCH PHỔI TOÀN PHẦN
ĐẶC ĐIỂM HẬU PHẪU CÁC TRƯỜNG HỢP BẤT THƯỜNG HỒI LƯU TĨNH MẠCH PHỔI TOÀN PHẦN TẠI KHOA HỒI SỨC NGOẠI BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Trần Diễm Trang*, Vũ Minh Phúc**
TÓM TẮT :
Mục tiêu nghiên cứu: Xác định đặc điểm và diễn tiến hậu phẫu của các trường hợp bất thường hồi lưu tĩnh mạch phổi toàn phần tại khoa Hồi sức Ngoại Bệnh viện Nhi Đồng 1 từ tháng 5-2008 đến tháng 5-2013.
Phương pháp nghiên cứu: mô tả hàng loạt ca. Từ tháng 5-2008 đến tháng 5-2013 có 65 trẻ bất thường hồi lưu tĩnh mạch phổi toàn phần được sửa chữa hoàn toàn tại bệnh viện Nhi Đồng 1. Các biến số thu thập trong giai đoạn trước phẫu thuật và giai đoạn hậu phẫu sớm tại khoa Hồi sức Ngoại.
Kết quả: Có 65 trẻ, tuổi trung bình của trẻ lúc phẫu thuật là 4,9 tháng, tỉ lệ nam: nữ là 2:1, 84,7% đến từ các tỉnh, cân nặng trung bình lúc mổ là 4,9 kg, 60% có suy dinh dưỡng, 8% có dị tật bẩm sinh khác ngoài tim, trước phẫu thuật 100% có suy tim, 66,2% có viêm phổi, 6,1% rối loạn nhịp tim và 4,6% có phù phổi cấp. Có 4 thể giải phẫu, 60% thuộc thể trên tim, 33,8% tại tim, 3,1% dưới tim, 3,1% hỗn hợp, 30,7% có tắc nghẽn tĩnh mạch phổi.Các cận lâm sàng đều cho thấy buồng tim phải lớn, 100% có tăng áp động mạch phổi, áp lực động mạch phổi tâm thu trung bình 74,7 ± 15,2 mmHg.Các mốc thời gian trong giai đoạn hồi sức khá dài: lưu nội khí quản là 7,1 ± 10,3 ngày, hở xương ức là 66,2 ± 14,6 giờ, thời gian trung bình hậu phẫu là 10,3 ± 13,3 ngày. Các biến chứng trong thời gian hậu phẫu là: viêm phổi 66,1%, suy tim 53,8%, tăng áp động mạch phổi 46,1%, giảm cung lượng tim 46,1%, rối loạn nhịp tim 43,1%, nhiễm trùng huyết 16,9%, nhiễm trùng vết mổ 10,7%. Nhóm bệnh nhi nhẹ cân, có thể giải phẫu trên – dưới tim kèm tắc nghẽn có tỉ lệ biến chứng cao hơn. Tỉ lệ tử vong là 4,6% chủ yếu do nhiễm trùng, tỉ lệ hẹp miệng nối sớm là 1,7%, tỉ lệ phải phẫu thuật lại là 1,7%.
Kết luận: Cần quan tâm nhóm trẻ nhỏ, thể trên và dưới tim có kèm tắc nghẽn cần đặc biệt lưu ý theo dõi các biến chứng suy tim, tăng áp động mạch phổi, giảm cung lượng tim trong thời gian hậu phẫu và cần tăng cường biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn trước và sau phẫu thuật để giảm tỉ lệ tử vong.
Hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn, cũng như mở ra con đường nghiên cứu, tiếp cận được luồng thông tin hữu ích và chính xác nhất