ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, CẬN LÂM SÀNG THẬN ĐA NANG CÓ BIẾN CHỨNG ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ PHẪU THUẬT
ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, CẬN LÂM SÀNG THẬN ĐA NANG CÓ BIẾN CHỨNG ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ PHẪU THUẬT
Trần Hiếu Học1,2, Trần Quế Sơn1,3, Đặng Cao Kỳ4, Lê Nguyên Vũ5
1 Trường Đại học Y HN
2 Bệnh viện Bạch Mai
3 Trung tâm Cấp cứu Bệnh viện Bạch mai
4 Bệnh viện Hà Giang
5 Bệnh viện Việt Đức
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Mục tiêu: Mô tả một số đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng bệnh thận đa nang có biến chứng được cắt thận. Đối tượng và phương pháp: Hồi cứu các bệnh nhân thận đa nang có biến chứng được phẫu thuật tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bạch Mai từ 1/1/2015 đến 31/12/2018. Kết quả: Tổng số 26 bệnh nhân được mổ bao gồm 13 nam và 13 nữ; tuổi trung bình là 48,85 ± 9,67 (26 – 67). Thời gian mắc bệnh trung bình là 14,08 ± 7,68 năm (1 – 37). Tiền sử gia đình mắc thận đa nang là 69,2%; suy thận là 88,5% trong đó có 1 trường hợp đã được ghép thận. Các triệu chứng lâm sàng hay gặp là đau thắt lưng (100%), đái máu đại thể (57,5%), thiếu máu (92,3%) trong đó 19,2% thiếu máu nặng; thận to (88,5%), tăng huyết áp (100%). Cắt lớp vi tính hệ tiết niệu cho thấy 100% các trường hợp có thận to, kích thước > 20 cm chiếm 68,8%, kích thước dọc thận trung bình 21,43cm (12 – 29), kích thước nang thận trung bình 5,99cm. Biến chứng chảy máu trong nang và nhiễm trùng nang lần lượt là 37,6% và 21,9%. Kết luận: Bệnh nhân thận đa nang có biến chứng được phẫu thuật có đặc điểm lâm sàng là suy thận, cao huyết áp, thiếu máu, đái máu và thận to. Chụp cắt lớp vi tính là cần thiết để chẩn đoán hình thái và biến chứng tại thận.
Bệnh thận đa nang (PKD-Polycystic Kidney Disease) là do rối loạn trong hệ thống di truyền gây ra sự phát triển của các u nang trong thận và suy giảm chức năng thận [1]. Bệnh tồn tại dưới hai hình thái: bệnh thận đa nang gen trội (ADPKD-Autosomaldominant polycystic kidney disease) chiếm tới 90% và bệnh thận đa nang gen lặn (ARPKD-Autosomal recessive polycystic kidney disease) [1,2]. Tại Châu Âu, một báo cáo dịch tễ học thống kê từ tháng 1 năm 1980 đến tháng 1 năm 2015 cho thấy tần suất bệnh thậnđa nang là dưới 5/10.000, tương ứng với tần suất của một bệnh hiếm gặp [1], tại Italia là 2,7/10.000 [3]. Tại Việt Nam, chưa có báo cáo chính thức về tần suất xuất hiện trong cộng đồng, tuy nhiên qua một số nghiên cứu, tỷ lệ bệnh nhân (BN) thận đa nang cũng phải quá hiếm [4,5].Bệnh nhân thận đa nang lúc trẻ thường không có triệu chứng và được phát hiện qua khám sức khỏe định kỳ. Ở tuổi trung niên, các biểu hiện bắt đầu xuất hiện và trở nên rõ ràng hơn khiến BN phải đi khám và điều trị như đau lưng (20-30%); tiểu máu (15-20%); nhiễm khuẩn tiết niệu (30%); sỏi thận (10-30%); tăng huyết áp (13-20%); suy thận (22%) [6]. Bệnh thận đa nang di truyền gen trội là nguyên nhân của 5% đến 10% các trường hợp suy thận giai đoạn cuối và cần được điều trị thay thế thận ởngưỡng 60 tuổi [3]. Nhiều BN có triệu chứng do thận và nang thận to lên gây chèn ép các cấu trúc lân cận.
Chi tiết bài viết
Từ khóa
thận đa nang, Thận, biến chứng, cắt thận
Tài liệu tham khảo
1. Willey CJ., Blais JD., Hall AK. et al (2016). Prevalence of autosomal dominant polycystic kidney disease in the European Union, Nephrol Dial Transplant, 32(8), pg 1356-1363
2. Chen K, Tan YG, Tan D. et al (2018). Predictors and outcomes of laparoscopic nephrectomy in autosomal dominant polycystic kidney disease, Investig Clin Urol, 59, pg 238-245.
3. Solazzo A, Giovanella S, Carrera P. et al (2018). The prevalence of autosomal dominant polycystic kidney disease (ADPKD): A meta-analysis of European literature and prevalence evaluation in the Italian province of Modena suggest that ADPKD is a rare and underdiagnosed condition PLoS One, 13(1), pg e0190430.
4. Nguyễn Thị Nga (2013). Tìm hiểu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và một số biến chứng của bệnh thận đa nang tại Khoa Thận-tiết niệu Bệnh viện Bạch Mai, Khóa luận tốt nghiệp bác sỹ Y khoa, Trường Đại học Y Hà Nội.
5. Đinh Gia Hưng (2008). Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng bệnh thận đa nang bẩm sinh ở người trưởng thành điều trị tại khoa Thận Tiết niệu Bệnh viện Bạch Mai, Luận văn tốt nghiệp bác sỹ chuyên khoa cấp II, Trường Đại học Y Hà Nội.
Nguồn: https://luanvanyhoc.com