Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả phẫu thuật thay van hai lá cơ học tại bệnh viện hữu nghị Việt Đức
Van hai lá nối liền thất trái và nhĩ trái, giúp máu di chuyển theo một chiều từ nhĩ xuống thất. Tại Việt Nam tổn thương van hai lá chủ yếu là hậu quả của thấp tim, ngoài ra còn có thể gặp do rất nhiều nguyên nhân khác. Tổn thương van hai lá bao gồm: Hẹp đơn thuần, hở đơn thuần và hẹp hở phối hợp. Chẩn đoán bệnh van hai lá dựa vào các triệu chứng lâm sàng và các thăm dò cận lâm sàng trong đó siêu âm tim có vai trò đặc biệt quan trọng, không những giúp chẩn đoán xác định, mức độ tổn thương, hậu quả do bệnh van hai lá gây ra mà còn giúp đưa ra chỉ định điều trị cũng như theo dõi lâu dài sau mổ. Trên thế giới, trường hợp thay van hai lá đầu tiên được thực hiện tại Hoa Kỳ năm 1959. Tại Việt Nam, phẫu thuật tim hở đã được thực hiện đầu tiên tại bệnh viện Việt Đức năm 1965 [2]. Thay van hai lá được chỉ định thay khi tổn thương van nặng, không thể tiến hành các can thiệp bảo tồn khác như nong van hoặc sửa van. Tại bệnh viện Việt Đức hiện sử dụng van hai lá cơ học Saint Jude Master; với tính ưu việt về mặt huyết động, độ bền cao, liều chống đông ít, từ khi ra đời đến nay đã có hơn 1,3 triệu van SJM được thay và đây là loại van cơ học hiện tại được sử dụng nhiều nhất thế giới. Ngày nay, nhiều trung tâm phẫu thuật tim hở trong cả nước trong đó có bệnh vện Việt Đức đã thực hiện thường quy phẫu thuật thay van hai lá. Tuy nhiên chưa có nghiên cứu nào đánh giá kết quả phẫu thuật này, vì vậy chúng tôi tiến hành nghiên cứu này nhằm mục tiêu:
Đánh giá đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh viện mổ thay van hai lá cơ học tại bệnh viện Việt Đức; kết quả sớm và trung hạn của các bệnh nhân này.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP
1. Đối tượng
Tất cả bệnh nhân mổ thay van hai lá cơ học đơn thuần hoặc phối hợp với tạo hình van ba lá tại khoa phẫu thuật tim mạch bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từ 1/2006 đến 12/2010; Không phân biệt tuổi, giới; bao gồm cả các trường hợp thay van sau khi sửa van thất bại. Loại trừ bệnh nhân có tổn thương van hai lá được sửa van hoặc mổ thay van sinh học; những bệnh nhân được thay van hai lá cơ học nhưng có kèm theo can thiệp trên van động mạch chủ, động mạch lên, động mạch vành, có vá thông liên thất, thông liên nhĩ; các bệnh nhân không có đầy đủ thông tin trong hồ sơ.
2. Phương pháp
Mô tả hồi cứu từ 1/2006 – 8/2009; tiến cứu từ 8/2009 – 12/2010. Số liệu thu thập được phân tích và xử lý bằng chương trình SPSS 17.0.
413 bệnh nhân được mổ thay van hai lá (VHL) cơ học bằng van Saint Jude Master tại bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từ 2006 đến 2010: Tuổi trung bình 45 ± 10,7. Nữ chiếm 56,4% (42,5% trong tuổi sinh đẻ). Tỷ lệ mổ lại sau các can thiệp hoặc phẫu thuật VHL như nong van, tách van, sửa/thay van cao. Bệnh nhân đa phần đến viện muộn. Kết quả phẫu thuật: tỷ lệ tử vong thấp, quanh mổ là 0,24% và trung hạn là 1,78%; tỷ lệ các biến chứng sau mổ tương đối thấp: chảy máu phải mổ lại 2,18%; kẹt van 0,24%; Lâm sàng sau mổ được cải thiện: NYHA giảm từ 2,03 ± 0,48 xuống còn 1,75 ± 1,14. Cận lâm sàng cải thiện: áp lực động mạch phổi giảm từ 49,27± 15,26mmHg xuống 33,18 ± 6,94 mmHg; Chênh áp tối đa qua VHL giảm từ 18,09 ± 7,57mmHg xuống 10,65 ± 3,40mmHg.
Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích