ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, CẬN LÂM SÀNG VÀ MÔ BỆNH HỌC CỦA BỆNH THẬN CẤP Ở BỆNH NHÂN VIÊM THẬN LUPUS TẠI BỆNH VIỆN CHỢ RẪY
ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, CẬN LÂM SÀNG VÀ MÔ BỆNH HỌC CỦA BỆNH THẬN CẤP Ở BỆNH NHÂN VIÊM THẬN LUPUS TẠI BỆNH VIỆN CHỢ RẪY
Nguyễn Ngọc Lan Anh1, Trần Thị Bích Hương2
TÓM TẮT :
Đặt vấn đề: Viêm thận lupus có đặc trưng là biểu hiện lâm sàng đa dạng, trong đó có thể có bệnh thận cấp. Theo KDIGO 2012, bệnh thận cấp (Acute kidney diseases and disorders) là một tình trạng mất chức năng thận nhanh trong vòng vài ngày (>7 ngày) đến vài tuần. Các dữ liệu nghiên cứu về bệnh thận cấp còn giới hạn.
Mục tiêu: (1) Mô tả các đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng; (2) Mô tả đặc điểm mô bệnh học của bệnh thận cấp ở bệnh nhân viêm thận lupus.
Phương pháp nghiên cứu: Thiết kế tiền cứu, mô tả hàng loạt ca 42 bệnh nhân (BN) viêm thận lupus được chẩn đoán và điều trị bệnh thận cấp tại khoa Thận Bệnh Viện Chợ Rẫy.
Kết quả: Từ 03/2018 đến 12/2019, có 42 bn viêm thận lupus được chẩn đoán và điều trị bệnh thận cấp tại khoa Thận bệnh viện Chợ Rẫy, trong đó 33 bn đã được chẩn đoán lupus từ trước với tuổi bệnh lupus trung vị 19 tháng, 9 bn mới được chẩn đoán lupus ở lần nhập viện này. Tuổi trung vị là 27, tỷ lệ nữ/nam=4/1. Phù và tăng CreatinineHT là hai lý do nhập viện thường gặp nhất (28/42 BN, 66,6%). Có 12/42 bn là tổn thương thận cấp (TTTC) và 30/42 BN là suy thận tiến triển nhanh (STTTN). Bệnh cảnh lâm sàng nổi bật là hội chứng thận hư (40/42 bn, 95,2%), tiểu máu (37/42 bn, 88,1%), tăng huyết áp (27/42 BN, 54,3%) và không thiểu niệu (38/42 BN, 90,5%). Tất cả bn đều có kích thước thận bình thường trên siêu âm. Hầu hết (34/42 bn, 80,9%) đều là viêm cầu thận lupus class IV và có chỉ số hoạt động cao. Chỉ số mạn tính ở nhóm STTTN cao hơn nhóm TTTC. Nhóm STTTN có các tổn thương hoạt động như liềm tế bào, viêm thận kẽ cấp, bệnh vi mạch huyết khối chiếm tỷ lệ cao hơn nhóm TTTC, trong khi tần suất hoại tử ống thận cấp cao hơn ở nhóm TTTC.
Kết luận: Chẩn đoán nguyên nhân bệnh thận cấp ở bệnh nhân viêm thận lupus cần có sự phối hợp giữa lâm sàng, cận lâm sàng cùng với sinh thiết thận đúng thời điểm.
Bệnh thận cấp (Acute Kidney Diseases and Disorders, AKD) là một khái niệm được KDIGO đưa ra vào năm 2012 để nói về tình trạng mất chức năng thận nhanh trong vòng vài ngày đến vài tuần(1). Năm 2017, Hội nghị đồng thuận ADQI lần thứ 16 định nghĩa bệnh thận cấp là tình trạng tổn thương thận cấp hoặc bán cấp và/hoặc mất chức năng thận nhanh trong vòng từ 7 đến 90 ngày và xảy ra sau tổn thương thận cấp(2). Nguyên nhân bệnh thận cấp (BTC) cũng xuất phát từ một hoặc đồng thời nhiều bệnh lý khác nhau từ cầu thận, ống thận hoặc mạch máu thận, trong đó có thể gặp lupus đỏ hệ thống. Tổn thương thận cấp ở bn lupus đỏ hệ thống không hiếm gặp với tần suất dao động từ 15-20% theo y văn thế giới(3,4). Tại Việt Nam, đa số nghiên cứu tập trung vào viêm thận lupus ở người trưởng thành và không suy thận. Năm 2014, Nguyễn Sơn Lâm nghiên cứu về lâm sàng, cận lâm sàng và mô bệnh học của tổn thương thận cấp ở bệnh nhân (BN) hội chứng thận hư, trong đó có 1/3 BN là viêm thận lupus(5). Năm 2018, Trần Thị Bích Hương (T.T.B.Hương) tìm được 105/123 BN (85,3%) viêm thận lupus có biểu hiện của suy thận tiến triển nhanh, nhưng nghiên cứu này không bao gồm bn tổn thương thận cấp.