ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG RỐI LOẠN TRẦM CẢM Ở NGƯỜI BỆNH PHÌ ĐẠI LÀNH TÍNH TUYẾN TIỀN LIỆT
ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG RỐI LOẠN TRẦM CẢM Ở NGƯỜI BỆNH PHÌ ĐẠI LÀNH TÍNH TUYẾN TIỀN LIỆT
Thị Thu Cao 1,, Nguyễn Ngọc Trần 1
Đặt vấn đề: Trầm cảm thường gặp ở người bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt, sự xuất hiện trầm cảm có thể để lại những hậu quả bất lợi như tăng nhu cầu sử dụng các dịch vụ y tế, giảm tuân thủ điều trị, thời gian nằm viện lâu hơn, và suy giảm chức năng. Mục tiêu: Mô tả đặc điểm lâm sàng rối loạn trầm cảm ở người bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang 111 người bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt khám và điều trị Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Lão Khoa Trung Ương từ tháng 08/2021 đến tháng 08/2022. Kết quả: Đối tượng nghiên cứu chủ yếu là người bệnh trên 60 tuổi (90,1%); độ tuổi trung bình 70,08 ± 8,15; nơi sinh sống chủ yếu ở nông thôn (63,1%); trình độ học vấn trung học cơ sở (31,5%). Có 26,1% người bệnh có rối loạn trầm cảm theo ICD10, trong đó trầm cảm nhẹ chiếm 18,7%; triệu chứng khởi phát hay gặp nhất là buồn chán, bi quan (37,9%); trong các triệu chứng đặc trưng của trầm cảm, khí sắc trầm là hay gặp nhất (89,7%); trong các triệu chứng phổ biến của trầm cảm, hay gặp nhất là rối loạn giấc ngủ (96,5%). Kết luận: Trầm cảm là rối loạn tâm thần thường gặp ở người bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt. Trầm cảm thường khởi phát đầu tiên bởi buồn chán, bi quan. Triệu chứng đặc trưng hay gặp nhất là khí sắc trầm, triệu chứng phổ biến hay gặp là rối loạn giấc ngủ.
Phì đại lành tính tuyến tiền liệt (PĐLTTTL) là một tình trạng phổ biến ở nam giới đặc biệt là người cao tuổi. Một nghiên cứu của Berry và cộng sự đã chỉ ra tỉ lệ phì đại lành tính tuyến tiền liệt liên quan đến độ tuổi của nam giới, tỉ lệ mắc là 8% ở lứa tuổi dưới 40, tăng lên 50% ở lứa tuổi 51-60, và con số này có thể tăng lên tới 80% khi nam giới đạt đến tuổi 80.1Mặc dù phì đại lành tính tuyến tiền liệt không phải là một bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng, nhưng những vấn đề liên quan như triệu chứng đường tiết niệu dưới, tiểu đêm, rối loạn cương dương…đã ảnh hưởng tiêu cực lên nhiều mặt của chất lượng cuộc sống, sức khỏe thể chấtvà sức khỏe tâm thần của người bệnh. Trầm cảm là rối loạn tâm thần thường gặp ở những người bệnh mắc phì đại lành tính tuyến tiền liệt. Nghiên cứu của Pietrzyk và cộng sự cho thấy, có đến 22,4% người bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt có trầm cảm.2Đối với người bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt, sự xuất hiện trầm cảm có thể để lại những hậu quả bất lợi như tăng nhu cầu sử dụng các dịch vụ y tế, giảm tuân thủ điều trị, thời gian nằm viện lâu hơn, và suy giảm chức năng. Vì vậy việc phát hiện sớm,can thiệp và điều trị trầm cảm là một trong những yếu tố then chốt trong chăm sóc người bệnh. Tuy nhiên, trầm cảm thường khó phát hiện ở người bệnh, vì các triệu chứng cơ thể, chẳng hạn như thiếu năng lượng, kém sự tập trung và giảm cân, có thể bị đánh giá là do bệnh tật hoặc quá trình lão hóa, mà không phải do trầm cảm. Trên thế giới đã có một số nghiên cứu về trầm cảm ở người bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt, tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu nào về vấn đề này, vì vậy chúng tối tiến hành nghiên cứu “Đặc điểm lâm sàng rối loạn trầm cảm ở người bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt” với mục tiêu: “Mô tả đặc điểm lâm sàng rối loạn trầm cảm ở người bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt”.
Nguồn: https://luanvanyhoc.com