Đặc điểm tự kỳ thị ở người tiêm chích ma túy tại Hà Nội và một số yếu tố liên quan
Đặc điểm tự kỳ thị ở người tiêm chích ma túy tại Hà Nội và một số yếu tố liên quan
Vũ Minh Anh, Đào Thị Diệu Thúy, Hoàng Thị Hải Vân, Lê Minh Giang
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Nghiên cứu trên thế giới cho thấy những người tiêm chích ma túy (TCMT) phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến tự kỳ thị với hành vi sử dụng chất của mình. Nghiên cứu mô tả cắt ngang 509 đối tượng nam TCMT tại Hà Nội nhằm mô tả đặc điểm tự kỳ thị về sử dụng ma túy và một số yếu tố liên quan. Kết quả cho thấy hơn 50% đối tượng cảm thấy xấu hổ về hành vi sử dụng ma túy của mình. Trầm cảm và tự kỳ thị ma túy có mối tương quan với nhau theo chiều thuận (r = 0,33, p < 0,001). Mô hình hồi quy tuyến tính đa biến với mức ý nghĩa thống kê p < 0,05 và độ tin cậy 95% chỉ ra mối liên quan giữa số năm sử dụng heroin (β = – 0,11; KTC 95% = – 0,21; – 0,01) và trầm cảm (β = 0,19; KTC 95% = 0,14; 0,24) với tự kỳ thị trong nhóm nam TCMT. Cần có thêm can thiệp tập trung vào nhóm đối tượng TCMT có thời gian sử dụng ma túy ngắn và gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần nhằm giảm mức độ tự kỳ thị ở nhóm này.
Tình trạng nghiện chích ma túy (NCMT) tại Việt Nam đang diễn biến ngày càng phức tạp do mức độ người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy ngày càng phổ biến.1 Theo thống kê của Bộ Công an, tính đến tháng 12/2020, cả nước có 235.000 người nghiện chích ma túy có hồ sơ quản lý. Tiêm chích heroin còn được biết đến là đường lây nhiễm HIV chính tại Việt Nam và là nguyên nhân chính gây nhiễm mới HIV trên thế giới.2 Ở nước ta, tỷ lệ nhiêm HIV trong nhóm người tiêm chích ma tuý (TCMT) chiếm từ 20% đến 56%.3 Những người nghiện chích ma tuý không chỉ đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe mà còn bị hạn chế trong khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế do vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử.4Sự kỳ thị đã được xác định là rào cản quan trọng trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng như có tác động trực tiếp đến sức khỏe của người tiêm chích ma tuý.5 Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện cho thấy hiệu quả tốt với người bệnh trong việc giảm sử dụng chất dạng thuốc phiện và lây nhiễm HIV, nhưng số lượng bệnh nhân tham gia điều trị methadone còn hạn chế.6 Sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nghiện chích ma túy, thiếu sự hỗ trợ pháp lý và hỗ trợ cộng đồng là những trở ngại đối với việc tham gia vào chương trình methadone.7 Sự tự kỳ thị trong nhóm những người sử dụng ma túy (SDMT) dẫn đến họ tránh sử dụng các dịch vụ do sợ bị người khác biết mình liên quan đến sử dụng ma tuý.8 Một nghiên cứu ở Việt Nam trong nhóm nam nghiện chích ma túy cai nghiện bắt buộc tại trung tâm cho thấy rằng sự kỳ thị và phân biệt đối xử dai dẳng đã cản trở việc làm, gia tăng sự cô lập với xã hội và trầm trọng thêm việc nghiện chích ma túy của họ.9 Bệnh nhân điều trị methadone ở nông thôn Việt Nam cũng cảm nhận được mức độ kỳ thị cao, liên quan đến thất nghiệp, rối loạn sức khỏe tâm thần và nhiễm HIV.
Đặc điểm tự kỳ thị ở người tiêm chích ma túy tại Hà Nội và một số yếu tố liên quan