ĐÁNH GIÁ CHẤP HÀNH QUY ĐỊNH VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM CỦA CÁC CƠ SỞ KINH DOANH THỰC PHẨM CHAY VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG TẠI HUYỆN CHÂU THÀNH, TỈNH ĐỒNG THÁP NĂM 2020
ĐÁNH GIÁ CHẤP HÀNH QUY ĐỊNH VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM CỦA CÁC CƠ SỞ KINH DOANH THỰC PHẨM CHAY VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG TẠI HUYỆN CHÂU THÀNH, TỈNH ĐỒNG THÁP NĂM 2020
Học viên: Nguyễn Bảo Châu
Giáo viên hướng dẫn: PGS.TS. Trần Thị Tuyết Hạnh
Châu Thành là một huyện nằm ở phía đông nam tỉnh Đồng Tháp. Địa bàn Huyện có hơn 53 cơ sở Phật giáo, 02 bếp ăn từ thiện cung cấp 100 suất ăn mỗi ngày. Nhu cầu ăn chay của người dân nơi đây rất lớn, các chương trình phát cơm từ thiện (phần lớn là suất cơm chay) diễn ra rải rác ở các xã, thị trấn quanh năm. Tình hình buôn bán thực phẩm chay tự phát vào các dịp Rằm và ngày mùng 1 âm lịch tăng lên chưa được quản lý. Thực phẩm chay chưa có những quy định riêng về ATTP nên việc tuyên truyền và kiểm tra tại cơ sở kinh doanh thực phẩm chay trong những năm gần đây còn bỏ ngỏ. Nghiên cứu được tiến hành với mục tiêu mô tả việc chấp hành các
quy định về an toàn thực phẩm và phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh thực phẩm chay tại huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp năm 2020.
Nghiên cứu sử dụng thiết kế nghiên cứu cắt ngang. Phương pháp nghiên cứu kết hợp định lượng và định tính. Số liệu nghiên cứu được thu thập từ cuộc phỏng vấn 101 cơ sở kinh doanh thực phẩm chay và 09 cuộc phỏng vấn sâu bao gồm: 06 cuộc phỏng vấn sâu chủ cơ sở chấp hành tốt và chưa chấp hành tốt theo quy định an toàn thực phẩm, 03 cuộc phỏng vấn sâu Lãnh đạo Phòng Y tế, Phòng Kinh tế – Hạ tầng và Trung tâm Y tế. Thông tin thu thập được làm sạch số liệu, nhập liệu bằng phần mềm Epidata 3.1 và xử lý số liệu bằng phần mềm thống kê SPSS 2.0. Số liệu định tính được gỡ băng phỏng vấn, đánh vào máy tính, mã hoá thông tin và phân tích theo từng chủ đề.
Kết quả nghiên cứu: tỷ lệ các cơ sở kinh doanh thực phẩm chay chưa chấp hành tốt theo quy định an toàn thực phẩm là 100%, tỷ lệ chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm chay có kiến thức an toàn thực phẩm đạt 13,86%, tỷ lệ chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm chay thực hành đạt 2,97%. Các yếu tố ảnh hưởng gồm: quy mô kinh doanh nhỏ lẻ chưa đáp ứng được các điều kiện địa điểm, cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ theo quy định chung về an toàn thực phẩm; ý thức của chủ cơ sở về việc thực hiện các thủ tục hành chính và điều kiện con người còn mang tính đối phó; nguồn nhân lực cho công tác an toàn thực phẩm còn thiếu, đa số cán bộ phụ trách kiêm nhiệm; đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm xã chưa được đào tạo, tập huấn; kinh phí xét nghiệm còn hạn chế và kinh phí cho các hoạt động truyền thông chưa phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Từ kết quả nghiên cứu học viên đưa ra những khuyến nghị: đối với các chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm chay cần tự giác cập nhật thông tin, kiến thức về an toàn thực phẩm và thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường thêm nhân lực được đào tạo chuyên môn về an toàn thực phẩm, trang thiết bị, kinh phí xét nghiệm phục vụ kiểm tra. Ngoài ra đối với các trường hợp vi phạm cần xử lý nghiêm. Các hình thức truyền thông về an toàn thực phẩm cần thay đổi phù hợp hơn đối với tình hình thực tế tại địa phương
Nguồn: https://luanvanyhoc.com