Đánh giá đáp ứng sau 3 tháng xạ trị lập thể định vị thân ở bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn sớm theo tiêu chuẩn RECIST và PERCIST
Đánh giá đáp ứng sau 3 tháng xạ trị lập thể định vị thân ở bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn sớm theo tiêu chuẩn RECIST và PERCIST
Phạm Văn Luận, Nguyễn Đình Tiến, Lê Ngọc Hà
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá đáp ứng sau 3 tháng xạ trị lập thể định vị thân ở bệnh nhân (BN) ung thư phổi không tế bào nhỏ (UTPKTBN) giai đoạn I với u phổi ngoại vi theo tiêu chuẩn RECIST 1.1 và PERCIST 1.0. Đây là nghiên cứu tiến cứu, theo dõi dọc 32 BN UTPKTBN giai đoạn T1-T2aN0M0 với u phổi ngoại vi, được xạ trị lập thể định vị thân và đánh giá sau 3 tháng từ tháng 01/2015 đến 03/2022. Đáp ứng điều trị sau 3 tháng được đánh giá theo RECIST 1.1 và PERCIST 1.0. Kết quả có sự thay đổi tỉ lệ giai đoạn T1a và T1b trên CT ngực lần lượt là 25% và 31,3% so với tỉ lệ tương ứng trên PET/CT là 18,8% và 37,5%, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,01. Theo RECIST 1.1, không có BN đáp ứng hoàn toàn, 41,4% đáp ứng 1 phần, 37,9% bệnh ổn định, 20,7% bệnh tiến triển, tỉ lệ đáp ứng khách quan 41,4%, tỉ lệ kiểm soát bệnh 79,3%. Theo PERCIST 1.0, có 1 BN đáp ứng hoàn toàn, các tỉ lệ khác lần lượt là 65,5%, 24,1%, 6,9%, 68,9% và 93%, sự khác biệt giữa 2 tiêu chuẩn có ý nghĩa thống kê với p = 0,021. Tóm lại: Sử dụng tiêu chuẩn PERCIST 1.0 làm thay đổi tỉ lệ đáp ứng điều trị có ý nghĩa thống kê so với tiêu chuẩn RECIST 1.1. Đặc biệt, 13,8% số bệnh nhân tiếp tục được hưởng lợi ích của xạ trị lập thể định vị thân sau khi đánh giá theo PERCIST 1.0.
Khoảng 25% các trường hợp bệnh nhân (BN) ung thư phổi không tế bào nhỏ (UTPKTBN) giai đoạn sớm (T1-2aN0M0) không có chỉ định phẫu thuật do tuổi cao hoặc có bệnh kết hợp nặng như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy tim, nhồi máu cơ tim chưa ổn định, đột quỵ não… hoặc BN từ chối phẫu thuật.1-3 Những năm gần đây, xạ trị lập thể định vị thân (Stereotactic Body Radiation Therapy – SBRT) đã ra đời và dần được lựa chọn là một phương pháp điều trị hiệu quả thay thế cho phẫu thuật ở nhóm BNnày. SBRT đã khắc phục được các nhược điểm của kỹ thuật xạ trị thông thường, cho phép nâng liều điều trị tại khối u và giảm liều chiếu đối với các tổ chức lành xung quanh, do đó làm tăng khả năng kiểm soát khối u đồng thời làm giảm các tai biến, biến chứng đối với tổ chức lành.2Việc đánh giá đáp ứng sau xạ trị, nhất là đáp ứng sớm sau 3 tháng, đòi hỏi cần lựa chọn biện pháp chẩn đoán hình ảnh phù hợp và hiệu quả, nhằm tránh đưa ra kết luận không chính xác cho người bệnh do tổn thương viêm phổi do xạ. Sau SBRT 3 tháng, có khoảng 30% số BN có thể có tổn thương viêm phổi do xạ, được biểu hiện trên phim chụp cắt lớp vi tính (computed tomography – CT) ngực bằng 5 hình thái khác nhau theo phân loại của Ikezoe J.4,5 Các tổn thương này một mặt làm tăng kích thước tại chỗ của u nguyên phát, mặt khác rất dễ chẩn đoán nhầm thành tổn thương di căn mới làm mất cơ hội được hưởng lợi ích điều trị triệt căn của người bệnh
Nguồn: https://luanvanyhoc.com